TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng chợ “sạch” bằng siết hàng nông sản sơ chế
- Thứ bảy - 24/11/2018 11:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mất hơn 8,5 tỷ đồng/năm vì rác ở chợ
Với dân số hơn 10 triệu người, TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam và cả nước. Để đảm bảo việc thu gom, phân luồng và phân phối hàng hóa lưu lượng lớn, thời gian qua, thành phố luôn chú trọng công tác quy hoạch, quản lý, khai thác và vận hành các kênh phân phối hàng hóa. Trong đó, đặc biệt là hệ thống 3 chợ đầu mối kinh doanh hàng hóa nông sản lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn.
Đây là chia sẻ của bà Huỳnh Phương Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tại Hội thảo “Giải pháp sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản cung ứng vào thị trường TP. Hồ Chí Minh” vừa diễn ra chiều ngày 22/11 ở Bến Tre,
Quy hoạch phát triển ngành thương mại TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ, phát triển thương mại để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn, đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo đến với người tiêu dùng; qua đó, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh/thành; hướng đến vai trò là trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại quốc tế ở Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa chủ trương đó, theo bà Trang, thành phố định hướng tập trung hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp 3 chợ đầu mối thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch khu vực phía Nam. Trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh môi trường tại 3 chợ này.
“Từ nay đến năm 2020, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành đang phân phối tại 3 chợ đầu mối, góp phần giảm lượng rác thải, đồng thời đảm bảo việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản thực phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm” – bà Trang cho hay.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, sản lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối ước đạt hơn 9.000 tấn/ngày đêm, trong đó chiếm 80% là lượng hàng nông sản.
Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ trên ước đạt 240 tấn/ngày, trong đó gần 90% lượng rác có nguồn gốc từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ. Ban Quản lý 3 chợ đầu mối hiện phải tốn chi phí hơn 8,5 tỷ đồng/năm cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ.
Hàng nông sản phải qua sơ chế mới được tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh |
Không sơ chế, không vào được cổng
Theo lãnh đạo Sở Công Thương thành phố, công tác thu gom, vận chế, sơ chế tại 3 chợ đầu mối đang gặp những vấn đề lớn.
Trước hết, thành phố tốn chi phí xử lý rác rất lớn, trong khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ, có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng phục vụ cho nông nghiệp.
“Nếu như việc sơ chế được khuyến khích thực hiện tại nguồn thì đối với nông dân hầu như chỉ tốn công chứ không tốn thêm chi phí cho quy trình tạo thành phân bón cho cây trồng và đối với 3 chợ đầu mối sẽ có tác dụng làm giảm đáng kể chi phí xử lý lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ quá trình sơ chế” - bà Trang phân tích.
Quan trọng hơn, do không sơ chế, đóng gói, bảo quản với điều kiện nhiệt độ phù hợp ngay sau khi thu hoạch dẫn đến giảm giá trị của sản phẩm, tỷ lệ hao hụt nông sản sau thu hoạch còn cao, lên tới 30%, đặc biệt là mặt hàng dễ hư hỏng như rau, củ, quả.
“Với việc tỷ lệ hao hụt nông sản cao như hiện nay thì người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn để sử dụng một đơn vị sản phẩm nông sản; người nông dân phải bỏ nhiều công sức và chi phí hơn để nuôi trồng một đơn vị sản phẩm, trong khi lợi nhuận của họ thì lại đang bị bào mòn bởi những hao hụt từ khâu trồng trọt, thu gom, vận chuyển, sơ chế” – đại diện Sở phân tích.
Để từng bước giải quyết vấn đề này, Sở Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng giải pháp và vạch ra lộ trình cụ thể và từng bước thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với 3 chợ.
“Trong thời gian tới, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh từ miền Tây, miền Đông, miền Trung và phía Bắc nhập vào 3 chợ phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đóng gói vào bao bì, để phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng, các nơi tiêu dùng khác trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành khác” – bà Trang cho biết thêm.