TP. Hồ Chí Minh cần hơn 9.784 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 31/03/2014 04:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong đó, ngân sách thành phố bố trí hơn 51% nhu cầu vốn, còn lại sẽ được huy động từ nguồn vốn tín dụng, đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các nguồn vốn lồng ghép. Nguồn vốn này sẽ được tập trung đầu tư cho 50 xã đang thực hiện nhân rộng mô hình, với mục tiêu ít nhất có thêm 17 xã cơ bản đạt chuẩn từ 17-19 tiêu chí, các xã còn lại đạt tối thiểu 15 tiêu chí. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt được tại 6 xã điểm vừa cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè triển khai xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Sau 4 năm triển khai chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Thành phố Hồ Chí Minh có 56 xã thuộc 5 huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 6 xã điểm đến nay đã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, gồm xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ (huyện Củ Chi), xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) và xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Một số tiêu chí về An ninh trật tự xã hội, y tế, văn hóa, quy hoạch,… cũng có số xã cơ bản đạt chuẩn cao. Tính đến tháng 1/2014, tổng vốn đầu tư cho chương trình này trên địa bàn là gần 12.300 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của người dân chiếm tới 73%. Từ những nguồn lực này, thành phố đã đầu tư xây dựng hơn 1.500 công trình, xóa hơn 730 căn nhà dột nát, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm giảm từ 5,77% năm 2010 xuống còn 1,15% trong năm 2013 và thành phố không còn hộ nghèo trong chuẩn nghèo quốc gia. Riêng tại 6 xã điểm xây dựng nông thôn mới, sau 4 năm thực hiện, có trên 86% hộ nghèo đã thoát nghèo.
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam , Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng: việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất những sản phẩm đặc thù của từng vùng và nhu cầu của thị trường với chất lượng cao là bước đột phá quan trọng nhất của Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Muốn vậy, thành phố cần tăng cường huy động nguồn lực, đổi mới và đa dạng hóa các mô hình tổ chức sản xuất, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, cần phải có chính sách phát triển nông nghiệp đô thị bền vững thì mới tận dụng được các ưu điểm về đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, tạo việc làm…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý, việc xây dựng nông thôn mới phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng xã, không thể máy móc rập khuôn. Trong khi xây dựng đề án và chỉ đạo thực hiện phải căn cứ vào đặc điểm cụ thể, lợi thế cũng như nhu cầu thiết thực của địa phương và người dân tại chỗ để quyết định nội dung nào làm trước. Từ đó có sự phân bổ các nguồn lực đầu tư hợp lý cho các địa phương.
Trong dịp này, các đoàn thể, 19 quận, công ty trên địa bàn thành phố đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ, phối hợp “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn liền với giảm nghèo bền vững với 5 huyện xây dựng nông thôn mới.
Nguồn TTXVN/Tin tức