TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển
- Thứ tư - 31/01/2018 22:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không ngừng tăng trưởng
Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2017, GRDP nông, lâm, ngư nghiệp của thành phố đạt 8.539 tỷ đồng, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2016. Giá trị sản xuất ước đạt 19.480 tỷ đồng tăng 6,3%; trong đó, trồng trọt tăng 5,8%, chăn nuôi tăng 4,4%, thủy sản tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 1/2018, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 962,7 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó trồng trọt 236 tỷ đồng, tăng 5,7% ; chăn nuôi đạt 432 tỷ đồng, tăng 4,2%; thủy sản đạt 234 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng theo số liệu của Sở NN&PTNT, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau ăn lá và ăn quả trên địa bàn thành phố đến nay đã có 389,8 ha, tăng 385,5% so với năm 2016 (101 ha). Nhiều cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: rau các loại (doanh thu bình quân khoảng 700 triệu – 1,4 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan (doanh thu bình quân khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con: doanh thu bình quân khoảng 800 triệu đồng/năm), nuôi tôm siêu thâm canh (doanh thu bình quân khoảng 2,7 – 3 tỷ đồng/ha/năm), cá cảnh (doanh thu bình quân khoảng 10 - 12 tỷ đồng/ha/năm).
Cả năm 2018, ngành nông nghiệp thành phố đang phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng GRDP đạt trên 5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 6%; giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 500 triệu đồng/ha… Để nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung nhiều nguồn lực phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Đưa công nghệ 4.0 vào quản lý
Tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành nông nghiệp năm 2018 của thành phố vừa qua, Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đô thị giai đoạn 2018 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, trong đó tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các cây, con chủ lực của thành phố.
Theo đó, năm nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố sẽ tiếp tục triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả, bền vững gắn với nhiệm vụ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, với Đề án hệ thống thông tin thị trường nông sản, thành phố sẽ xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về diện tích, quy mô của nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp về chủng loại cây trồng, vật nuôi; thông tin về thị trường nông sản; cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn; thông tin về tình hình sản xuất và dự báo cung cầu, xuất khẩu nông sản; thông tin về thời tiết, dịch bệnh, nguồn gốc sản phẩm và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp…
Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai truy xuất nguồn gốc rau củ quả tại các hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã tiếp nhận hệ thống in mã vạch và thực hiện in, dán tem mã vạch trên bao bì sản phẩm.
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng phần mềm bản đồ số hóa vùng sản xuất rau an toàn. Cụ thể, số hóa và xây dựng bản đồ GIS các vùng sản xuất rau an toàn theo thực tế, bao gồm 18 xã. Bản đồ sẽ thể hiện thông tin hiện trạng sản xuất rau, hộ nông dân nằm trong vùng quy hoạch sản xuất rau; vùng trồng rau đạt chứng nhận VietGAP; thông tin các doanh nghiệp, hộ kinh doanh rau quả, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và phân bón; thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất. Bản đồ này sẽ giúp tổ chức, cá nhân và nhà quản lý biết được các thông tin vùng sản xuất rau, hộ sản xuất, cửa hàng kinh doanh rau quả, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng theo nhu cầu của người sử dụng.