Được biết, sau khi đi khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn TP. Thanh Hóa, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã chỉ ra những tồn tại hạn chế của TP. Thanh Hóa trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, như: Phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; chưa có nhiều mô hình quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển theo chuỗi giá trị, dẫn đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp còn thấp. TP. Thanh Hóa vẫn còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang do quá trình đô thị hóa. Trong quá trình xây dựng NTM, một số tiêu chí còn hạn chế, nhất là các tiêu chí về môi trường, giao thông, việc làm và thu nhập của người dân.
“Về lâu dài, TP. Thanh Hoá cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Chú trọng phát triển nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp gắn với du lịch, để cải thiện, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Trước mắt, thành phố cần tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch cho phát triển kinh tế, trong đó có phát triển sản xuất nông nghiệp”, ông Quyền nhấn mạnh.
Qua đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu TP. Thanh Hóa khẩn trương rà soát lại quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng NTM của các xã. Trong đó, cần xác định rõ quy hoạch đô thị gắn với phát triển các ngành. Bên cạnh đó, TP. Thanh Hóa cần tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. 100% xã trên địa bàn TP. Thanh Hóa phải phấn đấu sớm trở thành xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Mục tiêu năm 2019, TP. Thanh Hóa hoàn thành Chương trình xây dựng NTM.
Theo báo cáo của UBND TP. Thanh Hóa, hiện 30 phường, xã trên địa bàn có sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 17 xã xây dựng NTM.
Về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Các mô hình sản xuất rau, củ, quả, hoa, cây cảnh và các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn đang được đầu tư, nhân rộng. Tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất nông nhiệp đạt hơn 80%. Cơ cấu mùa vụ chuyển dịch theo hướng tích cực, đưa các loại giống mới ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm thiểu rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.
Chuyển dịch một bước từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại và trang trại. Áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, phát triển chăn nuôi công nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên doanh, liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Thành phố duy trì và phát triển bền vững 345ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Chuyển dịch từ nuôi trồng thuỷ sản quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh. Từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang nuôi theo tổ, Hợp tác xã, doanh nghiệp, với diện tích 300 ha tập trung. Các hình thức sản xuất ở nông thôn ngày càng đa dạng, trong đó, nòng cốt là Hợp tác xã có bước chuyển biến rõ rệt về số lượng lần chất lượng.
Mực tiêu xây dựng NTM được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến hết tháng 5/2019, trên địa bàn thành phố đã có 10 xã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành NTM, 7 xã còn lại đã được thẩm định, thống nhất đề nghị UBND tỉnh công nhận. Trong năm 2019, thành phố phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM.