TT ứng dụng tiến bộ KH&CN - Cầu nối chuyển giao CN vào sản xuất

Là cầu nối đắc lực trong việc chuyển giao tiến bộ công nghệ vào sản xuất và đời sống, trong những năm qua, các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) đã góp phần thúc đẩy hoạt động KH&CN và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Đầu mối tiếp nhận và chuyển giao KH&CN
 
Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2014-2015, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (trung tâm) trên toàn quốc đã và đang thực hiện hơn 50 đề tài và 91 dự án, phần lớn tập trung vào một số lĩnh vực như: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin…
 
Ngoài ra, tính đến tháng 9/2015, có 39/63 trung tâm đã thực hiện hợp đồng dịch vụ - tư vấn và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, xử lý môi trường,… với tổng số 2.475 hợp đồng. Tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ - tư vấn là 37,4 tỷ đồng (chiếm 66,8%) và tổng trị giá các hợp đồng ứng dụng chuyển giao công nghệ là 18,4 tỷ đồng (chiếm 33,2%).
 
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển KH&CN tại các vùng, địa phương là một trong những định hướng, nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoạt động đổi mới, ứng dụng và phát triển KH&CN sẽ có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ, cải tiến kỹ thuật hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
 
Ông Ngô Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Nghệ An - cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào thực tiễn sản xuất với mục đích hướng tới các sản phẩm KH&CN gắn với nhu cầu thị trường và đã đạt một số kết quả nổi bật như: Tiếp nhận, làm chủ thành công công nghệ sản xuất chế phẩm comport macker và sản xuất, cung ứng chế phẩm đạt 50 tấn/năm; hoàn thiện công nghệ và sản xuất chế phẩm biogreen xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất nông nghiệp; mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Viet Gap; triển khai các hoạt động tư vấn sở hữu trí tuệ; bảo tồn các nguồn gene quý hiếm của tỉnh…
 
“Để có những kết quả trên, trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ, định hướng thông qua các văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, Bộ KH&CN và UBND tỉnh. Trung tâm đã và đang có những bước đi đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển KH&CN của đất nước, đặc biệt là đối với các tổ chức KH&CN công lập” - ông Linh khẳng định.
 
Đánh giá về vai trò của các trung tâm trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho hay, hoạt động KH&CN ngày càng khẳng định sự cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN chính là “cầu nối” để đưa nhanh thành tựu KH&CN vào sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
“Hoạt động triển khai ứng dụng KH&CN tại các địa phương cần được tiếp tục đẩy mạnh nhằm đưa KH&CN vào đời sống thực tiễn. Hiệu quả của các trung tâm là một trong những nội dung cần tiếp tục đẩy mạnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Bắc Giang cũng là tỉnh có nhiều đề tài, dự án KH&CN được triển khai mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, đầu mối liên kết ứng dụng và chuyển giao công nghệ là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh.
 
Theo ông Nguyễn Văn Chức - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Bắc Giang, với nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất đời sống, trung tâm đã kết hợp với các cơ quan chuyển giao công nghệ và các địa phương để đưa tiến bộ kỹ thuật vào đời sống sản xuất; thực hiện tốt vai trò là cầu nối trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN.
 
Một số sản phẩm của Công ty bóng đèn và phích nước Rạng Đông phục vụ nông nghiệp tại hội nghị toàn quốc về Trung tâm ứng dụng KH&CN lần thứ VIII. Ảnh: Ngũ Hiệp
Một số sản phẩm của Công ty bóng đèn và phích nước Rạng Đông phục vụ nông nghiệp tại hội nghị toàn quốc về Trung tâm ứng dụng KH&CN lần thứ VIII. Ảnh: Ngũ Hiệp
Cần có chính sách phù hợp
 
Tại hội nghị toàn quốc về Trung tâm ứng dụng KH&CN lần thứ VIII, các đại biểu tham dự đã có những thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN các tỉnh, thành phố hoàn thiện, đổi mới, sáng tạo và tìm hướng đi hiệu quả.
 
Nhận định về hướng phát triển của các trung tâm, ông Trương Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP. Cần Thơ - cho rằng, cần có sự gắn kết hơn nữa nhằm tạo động lực cho phát triển thị trường KH&CN, tạo sự bứt phá của các trung tâm theo Nghị định 115.
 
Ngoài ra, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho các trung tâm về việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực hoạt động KH&CN.
 
TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chia sẻ, đội ngũ nhân sự ở các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trên toàn quốc hiện nay còn thiếu (hiện chỉ có hơn 1.300 người/63 trung tâm), trong khi đó, các trung tâm phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng từ năm 2015.
 
“Đây là nhiệm vụ cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng để hỗ trợ các trung tâm có điều kiện phát triển và thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình” - ông Tuấn nhấn mạnh.
 
Cũng theo ông Tuấn, cần tiếp tục có sự liên kết tích cực hơn nữa từ phía các viện, trường ở trung ương, địa phương qua các trung tâm nhằm tạo ra sản phẩm ưu thế của địa phương có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Các trung tâm là cầu nối quan trọng trong việc gắn kết giữa “ba nhà”, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.
 
Ngoài sự thiếu hụt về số lượng, nguồn nhân lực ở các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN còn yếu về chuyên môn và chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu chuyển giao tại các trung tâm vẫn còn hạn chế.
 
TS Phạm Anh Tuấn cũng đề xuất ý tưởng tạo sự liên kết giữa trung tâm khuyến nông và trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN ở các địa phương để phát huy hiệu quả ứng dụng chuyển giao công nghệ đến gần hơn với người dân.
 
“Nhân lực làm việc cho các trung tâm khuyến nông tại địa phương hiện nay lên tới 36.000. Đây cũng chính là “cánh tay nối dài” cho các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho bà con nông dân” - TS Phạm Anh Tuấn khẳng định.
 
Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2014-2015, các trung tâm đã làm chủ được 227 công nghệ, tập trung ở một số lĩnh vực cụ thể gồm: Công nghệ sinh học chiếm 39,87%; công nghệ thực phẩm chiếm 6,54%; nông nghiệp chiếm 22,22%; công nghiệp chiếm 2,61%…
Ngũ Hiệp
http://khoahocphattrien.vn/