Tạo đột phá về giao thông nông thôn

Tạo đột phá về giao thông nông thôn
Đến nay, TP Đà Nẵng có 45,09km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, chiếm tỷ lệ 100%. Chỉ tiêu đường trục thôn, xóm cứng hóa đạt chuẩn 230/250km, chiếm tỷ lệ 92%. Chỉ tiêu đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 650km/717km, chiếm tỷ lệ 90,06%. 5 năm qua, trên lĩnh vực phát triển GTNT đã xây mới 41,4km và cải tạo nâng cấp 176,1 km đường... với tổng kinh phí 518 tỷ đồng. Nổi bật nhất là đã vận động nhân dân hiến 128.000m2 đất; tự phá dỡ tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc và đóng góp hơn 36.200 ngày công để mở rộng đường GTNT.

 

Ngày 6-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng điều hành Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương tại Hội nghị.

Huy động nhiều nguồn lực

Theo báo cáo của Bộ GTVT, khu vực nông thôn nước ta chiếm trên 80% và gần 70% dân số cả nước. Đây là khu vực cung cấp nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, sản xuất lương thực thực phẩm, giữ gìn văn hóa truyền thống và là các khu vực đặc biệt quan trọng về QP-AN; đảm bảo sự ổn định chính trị-xã hội. Địa bàn nông thôn còn là thị trường quan trọng để tiêu thụ sản phẩm và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Trong 5 năm qua, phong trào xây dựng và phát triển GTNT đã đạt được kết quả vượt bậc so với thời kỳ trước năm 2010. Đến thời điểm này, chiều dài đường GTNT tăng hơn 217.400km, tổng vốn huy động đạt 186.194 tỷ đồng. Nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng, hạ tầng GTNT ngày càng phát triển hiện đại theo hướng bền vững. Các công trình trên đường GTNT cũng được quan tâm xây dựng.

Hiện đã có 36.766 cầu được xây dựng kiên cố hóa. Bên cạnh sự đầu tư của các địa phương, đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 170 cầu treo dân sinh theo Đề án xây dựng cầu treo đã được duyệt và đến  ngày 30-7-2015 sẽ hoàn thành tiếp 16 cầu treo dân sinh thuộc đề án này. Giai đoạn 2015-2019, Bộ GTVT sẽ triển khai xây dựng 3.959 cầu treo dân sinh trên phạm vi các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Đến giai đoạn đó cơ bản các cầu dân sinh vượt sông, suối tại các vị trí trọng yếu trên địa bàn 50 tỉnh được phê duyệt trong Đề án sẽ được xây dựng...”.

Theo nhìn nhận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, những kết quả đạt được chính là sự đóng góp rất to lớn của nhân dân trong phong trào xây dựng GTNT với số tiền hơn 27.000 tỷ đồng là con số rất ấn tượng trong điều kiện các vùng nông thôn, miền núi, đời sống và thu nhập của nhân dân còn thấp. Bên cạnh việc đóng góp bằng tiền, nhân dân cả nước đã đóng góp nhiều nguồn lực khác, như hiến hơn 3.300 ha đất, gần 8 triệu ngày công lao động và các loại VLXD chưa quy thành tiền. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định “Đã xuất hiện nhiều điểm sáng xây dựng GTNT. Nhiều địa phương đã có cách làm tốt, có nhiều sáng tạo với nhiều mô hình hay khi thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Mạnh dạn giao việc cho người dân

Để hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê-tông xi-măng hóa 100% đường xã, đường liên xã đến năm 2020; hoàn thành tỷ lệ đường thôn xóm, đường trục nội đồng được cứng hóa; hoàn thành ít nhất 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, với 4 tiêu chí về GTNT và đạt tỷ lệ 70% số xã được cứng hóa đường trục thôn xóm, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, rất cần phải có những giải pháp mang tính đột phá. Đó là, rất cần sự vào cuộc tập trung chỉ đạo của cả hệ thống chính trị; tạo nguồn lực xây dựng GTNT; đa dạng hóa hình thức tổ chức thực hiện; tăng cường sự giám sát của nhân dân. Bởi, nếu làm không tốt có thể dẫn đến tình trạng nay làm mai lại phá rất lãng phí, thiếu tính bền vững.

Phat biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng, quản lý GTNT gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 còn rất nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất là phải huy động mọi nguồn lực từ T.Ư đến địa phương bằng giải pháp tăng nguồn lực, lồng ghép vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia; các nguồn vốn ODA và cả từ các nhà đầu tư, chính phủ nước ngoài; phấn đấu tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Cần phải ưu tiên vốn ngân sách cao hơn đối với các xã miền núi, địa bàn vùng cao, khó khăn từ 90-95%, thậm chí 100%. Việc phân bổ nguồn vốn từ T.Ư đến địa phương nhất thiết phải rõ ràng, công bằng. Đề cập đến việc vận động nhân dân vào cuộc để công tác quản lý, xây dựng GTNT trở thành phong trào rộng khắp, sôi động và ngày càng phát triển bền vững, “Việc gì của dân thì giao cho dân làm vừa tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng cũng tốt hơn. Thực tế chứng minh khi dân làm, kinh phí chỉ bằng 2/3, thậm chí có nơi chỉ bằng 1/2 so với Nhà nước làm. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ cho địa phương về kỹ thuật, ứng dụng KHKT để chất lượng đường tốt hơn...”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.

Phương Kiếm
Theo  cadn.com.vn