Tác động của TPP đến ngành chăn nuôi
- Thứ hai - 03/08/2015 22:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sức ép lớn từ hội nhập
Hội nhập mang đến nhiều cơ hội và thách thức, tuy nhiên, trong tất cả những ngành nghề, ngành chăn nuôi được đánh giá là có triển vọng bi quan nhất khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt khi TPP có hiệu lực từ năm 2016. Xét tổng thể ngành chăn nuôi, chỉ có người tiêu dùng và nhà nhập khẩu sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ hơn và được lợi, trong khi người sản xuất và nhà xuất khẩu trong nước phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR phát biểu tại hội thảo
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: Ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Bởi ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.
Đây là tình trạng điển hình trong khắp các phân ngành như chăn nuôi lợn, gà, đại gia súc, sữa và các sản phẩm từ sữa… Những đặc điểm này khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi chưa cao, do đó thực phẩm từ các nước đặc biệt là Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thái Lan… được nhập khẩu về ngày một nhiều. Chỉ tính riêng thịt gia cầm, trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 95 triệu USD, chiếm gần 1 nửa kim ngạch nhập khẩu thịt các loại. Dự báo, sau TPP, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Việt Nam sẽ tăng gấp 43,2 lần năm 2014, từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD/năm.
Theo Cục chăn nuôi, tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại, ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu. Ước tính mỗi năm chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá trên dưới 3 tỷ USD. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90% và khoáng chất, vitamin nhập tới 100%.
Cần tái cấu trúc ngành chăn nuôi
Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu, buộc ngành chăn nuôi phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại được trên thị trường. Trong đó, cần chú trọng đến vấn đề quy hoạch khu vực chăn nuôi và sản xuất, quy hoạch về vật nuôi, về phương pháp sản xuất và chuỗi giá trị. Tái cấu trúc cũng cần hướng ưu tiên vào các phân ngành hiện nay hoặc trong tương lai không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập ngoại do thói quen tiêu dùng (như các sản phẩm thịt tươi hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách…). Đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí trung gian, ổn định đầu vào đầu ra…
Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp trong nước và các hộ/trang trại chăn nuôi nhanh chóng và kịp thời để nhà sản xuất có sự chuẩn bị thích hợp nhằm tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập. Các giải pháp phát triển thị trường của doanh nghiệp cũng cần được gắn với các chương trình quốc gia về khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng và an toàn.
Hiện nay, vấn đề thiếu minh bạch thông tin thị trường và gian lận thương mại là một trong những cản trở lớn đối với doanh nghiệp. Khả năng người tiêu dùng có thể phân biệt hàng thật, hàng có chất lượng với hàng giả, hàng kém chất lượng còn gặp khó khăn do thông tin về doanh nghiệp và trên nhãn mác sản phẩm không đầy đủ. “Chúng tôi đề xuất cần nhanh chóng có quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành chăn nuôi cho phép truy xuất được các thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối”, TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.