Tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL
- Thứ ba - 14/08/2018 22:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để giải quyết các vấn đề thách thức của vùng, đòi hỏi phải đưa khoa học - công nghệ (KH-CN) vào thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng.
Theo Phó GS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, vùng ĐBSCL đang chịu 2 áp lực rất lớn để phát triển. Đó là việc khan hiếm nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và phát triển đập thượng nguồn, dẫn đến những tác động rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên. Việc cạnh tranh ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cây ăn quả và thủy sản trong quá trình hội nhập kinh tế đang diễn ra ngày càng khốc liệt.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhận định: KH-CN cần góp phần giải quyết 2 vấn đề quan trọng, then chốt trong nông nghiệp là giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm, để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất nông nghiệp của chúng ta không chỉ hướng đến xuất khẩu mà còn phục vụ tiêu dùng nội địa. Kèm theo đó, đưa hàm lượng công nghệ vào khâu chế biến, bảo quản nông sản, giải quyết nhu cầu ứng dụng công nghệ cho số đông nông dân sản xuất. Hay nói cách khác, KH-CN phải hỗ trợ cho phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đến gia đình. Nếu nông dân không hợp tác, liên kết sẽ rất khó đưa KH-CN vào sản xuất.
Theo Bộ KH-CN, trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2016 - 2018, thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung và chính sách phát triển KH-CN nói riêng, hoạt động KH-CN của các tỉnh, thành, cơ quan KH-CN vùng ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Một trong những đóng góp nổi bật nhất của hoạt động KH-CN trong vùng là đưa nhanh các tiến bộ KH-CN vào sản xuất những sản phẩm chủ lực của vùng theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cụ thể là trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất cây ăn trái, sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Nhiều mô hình mới trong trong phát triển kinh tế đã bước đầu được hình thành như: Ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp 4.0 trong sản xuất tôm giống sạch, chất lượng cao và nuôi tôm siêu thâm canh; Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao; Sản xuất cây ăn trái đặc sản, chất lượng cao; Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó hình thành các chuỗi giá trị của những sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao, gắn với thị trường tiêu thụ; Cải tiến đổi mới công nghệ trong chuỗi sản phẩm từ dừa, cá tra… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong doanh nghiệp, làm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế đang là những vấn đề thu hút đầu tư của KH-CN, khẳng định được vai trò to lớn của KH-CN trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế như: Ở một số địa phương đầu tư cho nghiên cứu KH-CN còn dàn trải, thiếu tập trung, thiếu tính liên kết trong nghiên cứu, triển khai, nên hiệu quả đạt được chưa cao. Đầu tư phát triển nâng cao tiềm năng cho các tổ chức KH-CN ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức, công tác quản lý nhà nước trên một số mặt còn buông lỏng, hiệu quả không cao.
Đưa công nghệ vào sản xuất
Hiện nay, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của vùng kém bền vững do nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, chuỗi giá trị bị cắt khúc, quản lý chuỗi còn nhiều yếu kém bất cập. Xu thế phát triển công nghiệp 4.0 là cơ hội cũng đồng thời là thách thức cho sản phẩm chủ lực và sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Thời gian qua, địa phương còn rất lúng túng trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên rất cần có các chương trình hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Do đó, các công tác hỗ trợ, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm kiểu mẫu để nhân rộng ra toàn tỉnh. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Lấy liên kết chuỗi làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung phát triển kinh tế hợp tác và doanh nghiệp.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, liên quan đến tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực của vùng, vấn đề cần quan tâm là phải biến thách thức thành cơ hội, xem nước mặn là tài nguyên; quản lý tài nguyên nước là quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phát triển bền vững phải dựa vào phát triển hài hòa đất, nước và con người ĐBSCL với trụ cột chính là kinh tế - xã hội và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Sớm phát triển trung tâm thông tin và dữ liệu vùng để phục vụ mạng lưới KH-CN. Việc phát triển nông nghiệp thông minh kết hợp ứng dụng công nghiệp 4.0 rất quan trọng, không những góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của vùng mà còn đóng góp tích cực tái cơ cấu nông nghiệp. Do tính phức tạp của vùng ĐBSCL về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong vấn đề nghiên cứu phát triển KH-CN đòi hỏi phải mang tính đơn ngành, đa ngành và liên ngành. Cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để nâng cấp chuỗi giá trị và lồng ghép sự tham gia của cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: KH-CN tác động lớn và nhanh chóng đến quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL. Trong 5 sản phẩm chủ lực quốc gia có đến 3 sản phẩm ở ĐBSCL gồm lúa, tôm và cá tra. Bộ NN-PTNT hiện có hệ thống viện nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL như Viện Lúa ĐBSCL, Viện Thủy sản II, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam... Để góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ, tiếp cận đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết nối với các viện nghiên cứu để đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Bộ hoan nghênh và đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư KH-CN cho vùng cũng như liên kết, hợp tác khai thác các nguồn lực từ các viện nghiên cứu thuộc bộ. Giao từng viện nghiên cứu trực thuộc bộ phải có doanh nghiệp đối tác chiến lược để khai thác sử dụng các kết quả nghiên cứu tiến bộ khoa học.