Tái cơ cấu lúa gạo ở ĐBSCL đi đúng hướng

Tái cơ cấu lúa gạo ở ĐBSCL đi đúng hướng
XK trong năm 2017 đã tăng trưởng trở lại và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm nay. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chính những doanh nhân ngành gạo khẳng định, đó là việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL đang đi đúng hướng.

3 điểm nhấn

Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt, trong vòng 3-4 năm nay, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đã có những thay đổi rõ rệt so với trước đó. 3 điểm nhấn quan trọng về tái cơ cấu là thay đổi cơ cấu giống lúa, hình thành vùng nguyên liệu của DN và sản xuất bền vững.

14-01-49_ti_co_cu_lu_go_di_dung_huong
Sản xuất lúa ở ĐBSCL

Trước hết, là thay đổi về cơ cấu nhóm giống lúa. Nếu như nhóm giống lúa phẩm cấp trung bình và thấp (IR 50404, OM 576…) vẫn giữ tỷ lệ diện tích từ 18-22%, thì đã có sự thay đổi mạnh mẽ ở nhóm giống lúa chất lượng cao và nhóm lúa thơm, đặc sản. Trước đây, nhóm giống lúa chất lượng cao từng chiếm tỷ lệ diện tích tới 60%, còn nhóm lúa thơm, đặc sản chưa tới 10%. Nhưng đến nay, 2 nhóm giống lúa này đã có tỷ lệ tương đương nhau khi cùng chiếm khoảng 30% diện tích.

Sở dĩ có điều này là trong sản xuất lúa, nhiều diện tích vốn sản xuất lúa chất lượng cao đã được chuyển sang trồng lúa thơm, đặc sản. Điều này có thể thấy rõ qua cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2017-2018 ở ĐBSCL.

Theo Cục Trồng trọt, trong vụ Đông Xuân vừa rồi, tổng cộng 1,6 triệu ha đã được xuống giống. Trong đó, nhóm giống lúa thơm, đặc sản được sản xuất trên diện tích 501.850 ha (chiếm 31,34%), nhóm lúa chất lượng cao có diện tích 513.552 ha (32,07%), nhóm lúa thường có diện tích 275.516 ha (17,2%). Trong vòng 5 năm trở lại đây, các giống lúa thơm có nhiều triển vọng về thị trường như Đài Thơm, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9… đã mở rộng rất mạnh về diện tích.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh về diện tích của lúa nếp, từ 3% trước đây lên 9-10% hiện nay, cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi cơ cấu giống lúa ở ĐBSCL. Chính sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống như trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam.

Việc các DN tham gia ngày càng nhiều vào xây dựng vùng nguyên liệu (cánh đồng lớn) lúa gạo XK, cũng đang làm thay đổi sản xuất lúa ở ĐBSCL theo hướng hình thành các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cho hạt gạo. Trong vụ Đông Xuân 2017-2018, diện tích thực hiện cánh đồng lớn ước đạt khoảng 160.000 ha, tăng 10.000 ha  so với vụ Đông Xuân 2016-2017. Xét ở khía cạnh VSATTP, các vùng nguyên liệu lúa gạo đã và đang được hình thành theo 2 nhóm: sản xuất theo các tiêu chuẩn VSATTP, sản xuất tốt của Việt Nam; sản xuất theo các tiêu chuẩn VSATTP của quốc gia mà DN sẽ XK gạo sang đó. Dù là sản xuất theo tiêu chuẩn nào, thì nhìn chung, các cách đồng lớn đều đang góp phần quan trọng làm tăng giá trị hạt gạo XK của Việt Nam và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Trong thời gian qua, Cục Trồng trọt đã phối hợp với Cục BVTV xây dựng quy trình canh tác lúa đáp ứng tiêu chuẩn về VSATTP để có thể XK vào những thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Úc...

Chương trình VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), đang được áp dụng vào sản xuất lúa ở 8 tỉnh, TP thuộc ĐBSCL cũng góp phần quan trọng vào việc đưa sản xuất ở khu vực này đi dần vào sản xuất bền vững. Việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “1 phải, 5 giảm”..., cùng với cơ giới hóa trong sản xuất (máy cấy, máy gặt đập liên hợp...) đã giúp cho việc sản xuất lúa trên nhiều diện tích mang tính bền vững hơn.

Ngoài 3 điểm nhấn nói trên, ông Lê Thanh Tùng cho hay, còn có thể kể tới những giải pháp rất đáng chú ý khác, đã góp phần làm cho sản xuất lúa ở ĐBSCL trở nên hiệu quả hơn như bố trí lại lịch thời vụ một cách hợp lý hơn nhằm giảm rủi ro bởi thiên tai (ngập lũ, hạn mặn...), chương trình giảm lượng giống gieo sạ ...  

Đáp ứng nhu cầu XK

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo nếp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các loại gạo XK, chính là yếu tố quan trọng làm tăng giá gạo XK bình quân của Việt Nam. Vì những loại gạo này thường có giá bán cao.

Sự gia tăng chất lượng gạo XK là kết quả của quá trình tái cơ cấu sản xuất lúa ở ĐBSCL theo hướng gia tăng diện tích sản xuất nhóm giống lúa thơm, đặc sản, nhóm lúa nếp và các nhóm giống có giá trị cao khác.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, cơ cấu các nhóm giống lúa tại ĐBSCL hiện nay, về mặt tỷ lệ đã phần đáp ứng yêu cầu XK của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Tỷ lệ nhóm giống lúa thơm, đặc sản trong vụ Đông Xuân 2017-2018 tăng hơn 6% so với vụ Đông Xuân trước, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao của nhóm giống lúa này.

Ông Phạm Thái Bình, GĐ Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết, nhờ chất lượng được nâng cao mà gạo Việt Nam đã đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe của nhiều thị trường XK. Chẳng hạn, Trung Quốc dù đã siết chặt về chất lượng, ATTP đối với gạo NK từ Việt Nam, nhưng XK gạo sang nước này vẫn đang khá ổn định. Ngày càng có nhiều DN liên kết với người trồng lúa xây dựng vùng nguyên liệu để kiểm soát được chất lượng hạt gạo ngay từ khâu sản xuất.

Ông Bình khẳng định, sự tăng trưởng trở lại của XK gạo không phải là bột phát mà mang tính căn cơ. Đó là kết quả của sự vào cuộc từ TƯ đến địa phương với các chính sách tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện kiên trì trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL.

Theo: Thanh Sơn/nongnghiep.vn