Ông Nguyễn Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, ngành chăn nuôi sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp với nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường, trong đó thị trường là yếu tố quan trọng cần phải được cân nhắc kỹ trong các phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi. Điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công và thu hút mạnh đầu tư tư nhân, khuyến khích các DN đầu tư vào chăn nuôi thông qua tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất, thay vì Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất cá thể thì nên thông qua hỗ trợ cho các DN, Hợp tác xã; giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN, người dân, trong đó có vấn đề thời gian và các loại chi phí không phù hợp mà trước tiên là thời gian thẩm định dự án, thông quan hàng NK; quản lý tốt chất lượng và an toàn vật tư, các sản phẩm chăn nuôi, nhất là quản lý chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi… |
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Thời gian qua, sản xuất chăn nuôi tăng trưởng và chuyển đổi theo hướng tích cực với tốc độ tăng trưởng năm 2014 đạt hơn 4% và các tháng đầu năm 2015 khoảng 4,8%. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung, chuyên nghiệp và công nghiệp hơn. Đầu tư xã hội cho nguồn lực phát triển chăn nuôi tăng, nhất là khu vực DN tư nhân cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai các nhiệm vụ cấp bách 6 tháng cuối năm diễn ra mới đây, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thừa nhận, trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi vẫn chưa huy động được các cấp, các ngành vào cuộc triển khai một cách đồng bộ. Đến nay, mới có 27/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án và kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, trong đó có chăn nuôi. Quy hoạch chăn nuôi còn mang tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu tái cơ cấu. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa được thực thi hiệu quả, thủ tục rườm rà, chưa đi vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở các địa phương và các DN…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam hiện còn khá nhiều “nút thắt”. Điển hình nhất là năng suất chăn nuôi còn thấp. Ông Sơn dẫn chứng, năng suất chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện chỉ bằng 2/3 so với năng suất chăn nuôi lợn của Đan Mạch, năng suất chăn nuôi gà bằng 70% Thái Lan, năng suất chăn nuôi bò bằng 50% của Australia. Năng suất thấp khiến giá thành bị đội lên, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
“Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng thịt tồn dư kháng sinh, các chất tăng trưởng vẫn diễn ra khiến cho người tiêu dùng trong nước nhiều khi nghi ngại chứ chưa nói tới XK. Ngoài ra, các thủ tục hành chính chậm chạp, rườm rà cũng là yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của ngành”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đẩy mạnh cả XK và tiêu thụ nội địa
Nhận định bao năm qua ngành chăn nuôi vẫn ì ạch là bởi chưa thực sự được nhìn nhận là ngành cần phải đẩy mạnh mà chỉ đơn thuần sản xuất phục vụ nhu cầu thực phẩm trong nước, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, muốn tháo gỡ khúc mắc của ngành này, điều quan trọng nhất là đổi thay lối tư duy, khẳng định tầm quan trọng và đặt sự phát triển của ngành trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
“Nhiều ý kiến cho rằng, muốn chăn nuôi đổi thay thì phải hút DN cùng làm, để DN làm “đầu tàu”. Tuy nhiên, DN Việt Nam không đủ sức làm “đầu tàu” khi vốn nhỏ lẻ, bình quân chỉ khoảng 5 tỷ đồng/DN, tương đương 250.000 USD. Trong khi đó, DN nước ngoài có DN đầu tư tới hàng trăm triệu USD vào nhà máy thức ăn gia súc. Vốn nhỏ lại xuất phát từ vấn đề DN khó tiếp cận tín dụng từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh. Hiện nay, DN trong ngành chăn nuôi vẫn phải vay vốn với mức lãi suất khoảng 11-12%/năm, trong khi đó DN chăn nuôi Trung Quốc chỉ chịu lãi suất 5%/năm, Thái Lan 3%/năm… Muốn DN mạnh lên, thúc đẩy để ngành chăn nuôi mạnh lên, những điều này đều phải được tháo gỡ”, ông Lịch cho biết.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận lại sự phát triển của ngành chăn nuôi theo hướng hình thành một ngành chăn nuôi hàng hóa cạnh tranh quốc tế tập trung năng suất cao, chất lượng tốt. “Trước đây quan điểm của chăn nuôi Việt Nam là cố gắng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, nếu dư thừa mới tính tới XK. Cách tiếp cận đó đã không còn phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, không còn thời gian để lưỡng lự trong triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, định hướng là phải kiên quyết để xây dựng ngành chăn nuôi không chỉ đứng vững trên sân nhà mà chủ động tiến tới XK. Từ nay tới cuối năm, bên cạnh thúc đẩy XK các mặt hàng nông sản, thủy sản, Bộ NN&PTNT cũng sẽ cố gắng thúc đẩy các sản phẩm chăn nuôi”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có nhiều nhóm giải pháp để nâng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, tuy nhiên tập trung chính vào 2 nhóm trụ cột là khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất, trong đó khâu giống được đánh giá quan trọng hàng đầu. Cơ quan quản lý Nhà nước khuyến khích DN chọn giống tốt bán cho người dân, đồng thời phối hợp DN đưa công nghệ tiên tiến trên thế giới về nước, phổ biến quy trình chăn nuôi cho nông dân, chủ trang trại,… Bộ trưởng giao Cục Thú y nghiên cứu, đề xuất để điều chỉnh căn bản Luật Thú y, tạo động lực cho chăn nuôi giảm giá thành, hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám bổ sung, tháo gỡ “nút thắt” cho ngành chăn nuôi còn cần có cách tiếp cận mới về thị trường, xuất phát từ thị trường. Thứ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y phải tham mưu để có hệ thống số liệu, cơ sở thông tin thị trường chính xác cập nhật cung cấp cho người chăn nuôi và DN. Các thông tin chủ yếu đề cập tới nhu cầu thực tế thị trường trong nước và XK ra sao, tình hình sản xuất như thế nào, sản phẩm nào sức cạnh tranh yếu để người dân hạn chế…
5 tháng đầu năm, cả nước đã NK 2.032 tấn thịt lợn, kim ngạch đạt gần 4 triệu USD, tăng 46,6% về lượng và 59,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài thịt lợn, tính tới hết tháng 5, NK thịt gà cũng tăng đáng kể với 56.917 tấn, giá trị đạt gần 52,7 triệu USD, lần lượt tăng 54,5% về lượng và 31,3% về giá trị. Không chỉ mặt hàng thịt, giá trị NK các loại con giống như trâu, bò, lợn vào Việt Nam cũng theo chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm đã có 209.006 con trâu, bò sống được NK vào Việt Nam từ Australia và Thái Lan và 29.600 con bò giống, kim ngạch NK gần 195,5 triệu USD (tăng hơn 62% về lượng và 98,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014). Đối với lợn giống, với việc NK 1.220 con, giá trị NK đã tăng gần 19% về so với cùng kỳ năm 2014. Trái ngược với sự gia tăng trong giá trị NK giống kể trên, tính tới hết 5 tháng đầu năm chỉ duy nhất giống gia cầm có giá trị NK giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,91 triệu USD. (Theo Cục Chăn nuôi) |