Tái cơ cấu ngành lúa gạo để nâng cao giá trị gia tăng bền vững

Từ nhiều năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn đứng nhất, nhì thế giới về sản lượng, nhưng giá thì luôn ở mức thấp và thu nhập của những người nông dân làm ra hạt gạo ngày càng giảm. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo với mục tiêu chuyển đổi từ việc chạy theo số lượng sang nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững. Vậy, cần bắt đầu từ đâu trước thực trạng ngổn ngang hiện nay?
Cán bộ khuyến nông kiểm tra sự sinh trưởng của lúa trên cánh đồng lớn xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Bài 1: Sản xuất phong trào, bỏ ngỏ tiêu thụ.

Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Chính phủ và chương trình xây dựng mô hình cánh đồng lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, nhưng qua mấy năm triển khai vẫn chỉ mang tính "phong trào".

Nguyên nhân là do mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không được xây dựng bền chặt, mà ngược lại, mỗi người một hướng, mạnh ai nấy làm, chán ai nấy nghỉ...

Những hợp đồng hình thức Một buổi trưa chang chang nắng tháng 5, chúng tôi ghé nhà anh Võ Minh Chiếu, Giám đốc Hợp tác xã Kênh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang từ lời giới thiệu của lãnh đạo tỉnh về một Hợp tác xã (HTX) "điển hình, làm ăn được". Anh Tư Chiếu đang dựng lại bảng sản xuất lúa theo Dự án canh tác giảm phát thải khí nhà kính trên khoảnh ruộng phía sau nhà. Mồ hôi nhễ nhại, anh cho biết: Hợp tác xã thành lập từ năm 2001, đến nay có 565 hộ với 526,6 ha lúa. Từ năm 2014, có 270 ha lúa được sản xuất theo Dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính do Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL phối hợp Sở Nông nghiệp các tỉnh trong vùng thực hiện thí điểm. Theo Dự án, Viện hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân, và đơn vị thu mua lúa là Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Phan Minh.

Vụ lúa đông - xuân 2014- 2015, các hộ nông dân sản xuất theo dự án này với hy vọng tạo ra sản phẩm lúa chất lượng cao, giá thành tốt, được bao tiêu ổn định.

Tuy nhiên, mọi việc không như mong đợi, khi lượng lúa sản xuất ra vẫn "trôi nổi" và người dân buộc phải bán cho thương lái. Chúng tôi băn khoăn: Vậy lúa sản xuất theo dự án có được Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL chứng nhận chất lượng không? Và vì sao Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Phan Minh lại không thực hiện hợp đồng thu mua?

Anh Tư Chiếu giãi bày: Dự án cũng có cán bộ kỹ thuật của Viện xuống hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, nhưng khi thành phẩm lại không có chứng nhận sản xuất theo quy trình sạch, cho nên khi bán ra cũng chẳng khác gì lúa thường. Còn công ty không thu mua là do họ nói không vay được vốn từ ngân hàng, cộng thêm thị trường xuất khẩu gạo ảm đạm, không có "đầu ra" vì vậy vụ này chưa triển khai được. - Vậy chương trình tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân vừa qua có doanh nghiệp nào thu mua lúa cho bà con ở đây không?- chúng tôi hỏi. Và câu trả lời của anh Tư Chiếu vẫn là: Không.

Không chỉ ở tỉnh Kiên Giang, thực trạng này cũng phổ biến ở Cà Mau.

Anh Năm Điệp ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với ba ha lúa, là thành viên của Tổ hợp tác ấp 5, nhưng bao mùa vụ nay cũng vẫn quen bán lúa cho thương lái. Anh Năm Điệp cho biết: "Doanh nghiệp ký hợp đồng cứ ký, rồi không thu mua thì chỉ nói không có tiền, không có vốn. Nông dân bán miết cho thương lái cũng quen, giá thấp thì thua, giá cao thì lời, hên xui lắm". Điều đáng nói là diện tích lúa của anh Năm Điệp cũng nằm trong quy hoạch cánh đồng lớn của tỉnh Cà Mau. Thêm nữa, trong đợt thu mua tạm trữ một triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2014- 2015, các hộ trong xã cũng không được hưởng lợi, phần vì lúc đó nông dân đã bán hết lúa, nhưng quan trọng hơn là còn lúa cũng không có doanh nghiệp thu mua.

Trong khi nông dân kêu ca chuyện doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nhưng không thực hiện thì không ít doanh nghiệp lại than phiền "làm việc với nông dân giờ khó quá trời". Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Lương thực Thới Bình thuộc Công ty Xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau Nguyễn Thanh Trường chia sẻ: Xí nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa gạo cho bà con ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình bằng cách định giá lúa vào thời điểm làm hợp đồng. Tuy nhiên, khi thu hoạch, nếu thương lái mua giá thấp hơn giá ký thì nông dân vui vẻ bán cho mình.

Ngược lại, thương lái mua giá cao hơn thì nông dân lại không bán cho doanh nghiệp. Chính vì vậy mà việc ký hợp đồng cũng chỉ mang tính hình thức, không có gì chắc chắn. Còn về việc thu mua tạm trữ, vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 phía công ty cũng được phân bổ chỉ tiêu 8.000 tấn nhưng phải xin rút không tham gia.

Tổng Giám đốc Công ty Xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau Dương Việt Hùng giải thích: Việc không tham gia là do công ty không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhưng phía ngân hàng dựa trên đánh giá thẩm định về tình hình hoạt động của công ty cũng như tín hiệu từ thị trường xuất khẩu gạo để cho vay, quyền quyết định thuộc về họ. Khi không có vốn, chúng tôi đành xin rút chứ không phải không muốn tham gia.

"Chia năm xẻ bảy" Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa hè thu năm 2014 ở ĐBSCL có tổng cộng 101 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân với tổng diện tích gần 78 nghìn ha nhưng diện tích thực hiện thành công hợp đồng chỉ là 42 nghìn ha, chiếm gần 55%. Trước đó, vụ lúa đông xuân 2013-2014, diện tích cánh đồng lớn của toàn vùng ĐBSCL là 134 nghìn ha nhưng tỷ lệ thành công của hợp đồng ký giữa doanh nghiệp và nông dân chỉ là 30%. Hơn nữa, theo thống kê, diện tích cánh đồng lớn càng tăng thì tỷ lệ thành công của hợp đồng càng giảm. Kết quả khảo sát tại 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thực hiện tháng 6- 2014 cũng cho thấy: Hầu hết các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có quy mô lớn cũng chưa đầu tư tương xứng cho vùng nguyên liệu, chưa có chiến lược phát triển lúa chất lượng thông qua vùng nguyên liệu.

Thậm chí có những doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng không tổ chức thu mua cho hộ sản xuất.

Trước sự luẩn quẩn trong mối liên kết giữa nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, chúng tôi có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu và Hợp tác kinh tế quốc tế (Sở Công thương tỉnh Kiên Giang) Ngô Quang Bình và được biết, toàn tỉnh hiện có sáu doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ lúa gạo, có ký kết hợp đồng với nông dân nhưng hầu hết không bài bản, tỷ lệ phá hợp đồng vẫn cao. Sở Công thương có nhiệm vụ xúc tiến thương mại, cùng với các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu gạo để tác động trở lại thị trường lúa gạo trong nước, nhưng thực tế cũng chỉ hỗ trợ về mặt chính sách thông qua việc phối hợp triển khai thực hiện các Quyết định, Nghị định của bộ, ngành T.Ư, chứ về tài chính doanh nghiệp thì hoàn toàn do doanh nghiệp tự lo.

Do vậy, khi doanh nghiệp kêu khó, Sở cũng không thể giải quyết được.

Như đợt thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2014- 2015 vừa qua, toàn tỉnh được giao chỉ tiêu 80 nghìn tấn, nhưng một doanh nghiệp xin rút cho nên chỉ thu mua được 65 nghìn tấn.

Cũng không có "chế tài" nào bắt buộc doanh nghiệp được.

Từ thực tế nêu trên có thể thấy, nền sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong nước đang có những bước đi rời rạc. Cái gật đầu của nông dân với thương lái khi giá lúa họ trả cao hơn hợp đồng; cái lắc đầu của doanh nghiệp với lúa gạo của nông dân khi thị trường xuất khẩu ảm đạm dù hợp đồng đã ký; chuyện "lực bất tòng tâm" của cơ quan chức năng địa phương trước cả phía nông dân và doanh nghiệp... chính là "tác nhân" mạnh nhất cho những hợp đồng bị "bẻ kèo". Và rồi, bên nào cũng thấy đó là bình thường, dẫn đến việc hợp đồng ký thì cứ ký, còn việc thực hiện hay không là chuyện khác. Và đó cũng chính là lý do ngành sản xuất và kinh doanh lúa gạo nước ta bị "chia năm xẻ bảy" với nông dân sản xuất manh mún, thu nhập thấp; thương lái thu gom, ép giá; doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhưng gạo không có thương hiệu dẫn đến giá thấp và thị trường không ổn định. Tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo để nâng cao giá trị gia tăng, cân bằng lợi ích các bên, là một vấn đề nóng hiện nay.

(Còn nữa)

 

Nông dân tham gia Dự án canh tác lúa giảm thải khí nhà kính, tạo ra hạt gạo sạch, chất lượng cao nhưng lại không được các doanh nghiệp quan tâm tiêu thụ. Là Giám đốc HTX, tôi cũng tự đi "chào hàng", giới thiệu về sản phẩm gạo của bà con nhưng tiếng nói của mình chẳng tới đâu cả.

Mong muốn của bà con chỉ là lúa gạo sản xuất ra được tiêu thụ thuận lợi, chứ không ngại vất vả. Hiện nay, cả huyện Tân Hiệp không có vùng sản xuất lúa nào có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu. Vài năm trước cũng có một vài điểm có doanh nghiệp thu mua nhưng chỉ là hợp đồng vui vẻ, có "bẻ kèo" cũng không mắc mớ chi.

VÕ MINH CHIẾU Giám đốc Hợp tác xã Kênh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang

BÀI VÀ ẢNH: ÁNH TUYẾT
theo nhandan