Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần thiết quan tâm đến nông dân. Ảnh: Thiên Tú.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần thiết quan tâm đến nông dân. Ảnh: Thiên Tú.

"Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" do Bộ NN&PTNT xây dựng là một trong những định hướng quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến của ngành.
Tuy nhiên, tại hội nghị tham vấn ngày 6/4, nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, cần có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn nước ta.
 
Ưu tiên công nghệ chế biến

Theo đánh giá của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực kinh doanh lương thực. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ông Shimuzu Akira, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ các trường hợp đình chỉ nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam vào Nhật Bản tăng hàng năm. Cùng với đó, dây chuyền lạnh bảo quản sản phẩm cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Một vấn đề nữa, Việt Nam còn thiếu các tiêu chuẩn về an toàn nông sản, bởi tiêu chuẩn VietGAP hiện nay không đủ đáp ứng các tiêu chí quốc tế. Trong khi đó, triển vọng đầu ra cho nông sản chất lượng cả ở trong nước và quốc tế đều rất rộng mở. Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho thực phẩm an toàn với giá cao hơn từ 10 - 30% nhưng các sản phẩm nông sản chưa đủ tin cậy.

Đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Steven Jaffee nhận định, tiêu chí của an ninh lương thực hiện nay đã thay đổi, không chỉ là đủ số lượng mà còn  phải đảm bảo an toàn chất lượng. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng cần phải xem xét đến thay đổi này để cung cấp cho thị trường những sản phẩm bền vững, chất lượng, phát triển phù hợp với tầm nhìn chung của thế giới.

Quan tâm tới nông dân nghèo

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên tiếp tục nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp trong kích thích tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, khoảng 70% dân số Việt Nam đang sống tại khu vực nông thôn. Do đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể thiếu sự tham gia của họ. GS.TS Jikun Huang, Trung tâm Chính sách nông nghiệp Trung Quốc, Viện Khoa học Trung Hoa cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tạo ra hạ tầng thị trường tốt hơn và đưa ra các chính sách phù hợp giúp nông dân thực hiện được kế hoạch của mình.

Đồng ý quan điểm trên, bà Lê Nguyệt Minh, Trưởng đại diện tổ chức Oxfam Mỹ tại Việt Nam nhận định, hiện nay, nông dân Việt Nam rất dễ gặp rủi ro, bất ổn do khó vay vốn tín dụng, thường xuyên bị ép giá cả đầu vào lẫn đầu ra… "Ước tính thu nhập của nông dân trồng lúa chỉ đạt 28 USD/tháng. Đây là mức quá thấp. Tuy nhiên, trong đề án tái cơ cấu ngành chưa đề cập đến vấn đề này. Do đó, cần thiết phải có những điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho người nông dân chủ động, gắn bó với nghề nông và sản xuất hiệu quả. Ngoài ra có các cơ chế giảm rủi ro như bảo hiểm cây trồng, an sinh xã hội, phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo…" - bà Minh nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ sẽ điều chỉnh cách tiếp cận, làm rõ hơn các mục tiêu về chất lượng, xã hội và thể hiện rõ hơn quan tâm đến lợi ích của người nông dân, nhất là người nghèo. Trên cơ sở đó, sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
 
 
 
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cũng cần thay đổi cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp theo hướng không chỉ đầu tư theo tiểu ngành mà đầu tư tổng thể cho toàn ngành nông nghiệp. Cùng với đó đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư.
 
Thắng Văn