Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Đòi hỏi từ thực tiễn

Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay, lúa gạo có tỷ trọng lớn nhất. Song hiệu quả kinh tế do cây lúa đem lại không cao. Ngành chăn nuôi phát triển nhanh, nhưng thiếu bền vững. Thủy sản cũng đang gặp vô số trở ngại khi cung vượt quá cầu và cả những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, dư lượng kháng sinh… Một loạt vấn đề cho thấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc vô cùng bức thiết.
Ngày mùa
Trồng trọt, chăn nuôi… đều gặp khó
 
Năm 2012 là năm giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn được duy trì và phát triển, góp phần rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu với số lượng lớn song giá trị lại thấp hơn so với các quốc gia khác. Đặc biệt, người làm nông nghiệp có mức thu nhập rất thấp, đời sống bấp bênh. Đáng lưu ý, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm làm từ nông nghiệp không cao. Dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có thứ hạng về xuất khẩu nông sản nhưng những sản phẩm nông sản lại không mang lại một mức sống khá cho nông dân. Những bất cập trong quản lý chất lượng cùng với cung cách làm ăn manh mún khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi.
 
 
Sản lượng thóc, gạo cao nhưng giá trị xuất khẩu thấp
 
Có một thực tế, lúa gạo là sản phẩm chính của người nông dân song thời gian qua, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người nông dân không thiết tha với ruộng lúa, tình trạng bỏ ruộng ly hương diễn ra tràn lan. Thậm chí một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn ra tình trạng người nông dân treo biển bán đất ruộng, bán ao nuôi cá… vì không hy vọng đồng lúa, ruộng rau, ao cá… có thể giúp họ có một cuộc sống đủ no.
 
Tương tự, đối với ngành chăn nuôi, dịch bệnh hoành hành, nạn gà lậu, gà thải… khiến cho các sản phẩm chăn nuôi thường xuyên bị mất giá. Người chăn nuôi luôn ở tình trạng thấp thỏm lo thua lỗ vì đầu chi phí đầu vào cao, còn đầu ra bị hạ thấp. Thủy sản cũng khó khăn không kém khi những vấn đề của ngành này đang tập trung vào thực trạng nguồn cung thức ăn không ổn định, quản lý dịch bệnh kém, dư lượng kháng sinh cao, thương hiệu kém. Đóng góp của lâm nghiệp trong tăng trưởng kinh tế còn thấp so với tiềm năng… 
 
Như vậy, cần phải nhìn nhận lại một thực tế rằng, tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản… liên quan đến kinh tế nông nghiệp vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn, việc tái cơ cấu lĩnh vực kinh tế này đã là yêu cầu rất bức thiết. Bởi, nó không chỉ giúp cho "bệ đỡ” của nền kinh tế Việt Nam được phát triển vững chắc mà còn là động lực để nâng cao đời sống, thu nhập của nông dân - đang chiếm gần 70% dân số Việt Nam hiện nay.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã từng nhấn mạnh tính cấp thiết của nhiệm vụ này khi cho rằng, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của ngành, đồng thời cải thiện đời sống nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng. 
 
 
Chăn nuôi cũng không mang lại lợi nhuận cho người nông dân
 
Nâng cao đời sống nông dân - mục tiêu then chốt của tái cơ cấu
 
Trên thực tế, một điều mà lâu nay vẫn được các chuyên gia trong nhận định, đó là để ngành nông nghiệp phát huy hết tiềm năng, việc tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch về thủy lợi, nông, lâm và thủy sản… để khắc phục những hạn chế đang tồn tại là điều cần thiết phải duy trì. Bên cạnh đó, tăng cường thể chế cho phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường; không sản xuất tự phát mà sản xuất theo nhu cầu cũng là yếu tố quan trọng. Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh đến mối liên kết "bốn nhà” phải được thực hiện một cách nghiêm túc, từ đó mô hình sản xuất theo chuỗi sẽ được hình thành. "Đời sống nông dân tăng, hiệu ứng xã hội lớn mới là mục tiêu then chốt của tái cơ cấu ngành nông nghiệp” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.
 
Nhận định về tính bức thiết cũng như tầm quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, : "Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp rất cần tái cấu trúc một cách cơ bản”. Theo TS Doanh, nông nghiệp sau nhiều năm phát triển tốt, là trụ cột bảo đảm an toàn lương thực, đóng góp tốt cho xuất khẩu, thì hiện nay tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã giảm sút, đời sống người nông dân gặp khó khăn. Bởi vậy, ông Doanh nhấn mạnh: Để thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần phải chọn ra các nhiệm vụ trọng điểm. "Tôi nhớ lại thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi thực hiện đường dây 500 Kv, ông đã chỉ đạo ngày đêm, đến tận công trường, chỉ đạo quyết liệt. Tôi nghĩ vấn đề tái cấu trúc hiện nay còn phức tạp hơn vấn đề 500 Kv”.
 
Và như vậy, việc tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc tái cơ cấu lĩnh vực kinh tế này. Tuy nhiên, TS Doanh cũng nhấn mạnh vào yếu tố rằng "khi thực hiện tái cơ cấu một cách quyết liệt, sẽ có DN phát triển lên, nhưng cũng có các DN phải từ bỏ một số ngành nghề và bản thân tư duy của các bộ, các DN cũng phải có sự thay đổi”. Việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp sẽ là động lực để khôi phục niềm tin của người dân. Từ đó sẽ thực hiện được những mong muốn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo mọi người đều được tham gia vào tăng trưởng kinh tế, từ người nông dân đến người lao động đều được hưởng lợi thì tăng trưởng đó mới bền vững được.
Duy Phương
theo daidoanket.vn