Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nâng cao vai trò của nông dân
- Thứ năm - 12/04/2012 03:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nâng cao giá trị và tính bền vững: Chưa được chú ý
Mặc dù cuộc sống ngày càng được nâng cao song theo các chuyên gia, nông dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng xứng đáng công sức đã bỏ ra.
Nghiên cứu của Tổ chức Oxfam cho thấy, hiện ngân sách khuyến nông dành cho nông dân nghèo cũng như quy mô giảm sút, chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển. Trong khi tăng trưởng được đo bằng việc mở rộng sản xuất thay vì tính bền vững và thành công của nông dân. Nông dân đang bị huy động tham gia vào việc sản xuất nhưng họ lại phải tự chịu mọi chi phí và rủi ro để hoàn thành mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực. Đây thực sự là một đòi hỏi không công bằng trong khi thu nhập của nông dân trồng lúa chỉ đạt 28 USD/tháng.
Bà Lê Minh, đại diện Oxfam cho hay, có nhiều bất cập đang tồn tại trong nền nông nghiệp của Việt Nam mà điển hình là việc tiếp cận và sử dụng đất. Đó là chưa kể tới việc nông dân rất khó tiếp cận các khoản tín dụng của ngân hàng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thường xuyên khiến bà con bị động, bị ép giá nên không mặn mà đầu tư sâu và lâu dài. "Chúng tôi thấy lo lắng về đề án tái cơ cấu mà ngành nông nghiệp đưa ra bởi đề án chưa tính đến tình trạng dễ tổn thương của nông dân, cũng như khả năng tiếp cận và mua được thực phẩm đủ dinh dưỡng của người nghèo. Một vấn đề khác đáng bàn là, mặc dù đề án nói nhiều đến an ninh lương thực quốc gia nhưng lại chưa nói đến an ninh lương thực ở cấp nông hộ. Nếu đề án chỉ tập trung vào tăng quy mô sản xuất là gieo mầm cho thất bại", bà Minh nói.
Chia sẻ những lo lắng của mình trong đề án tái cơ cấu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các chuyên gia quốc tế bày tỏ khá nhiều ý kiến liên quan đến việc đề án mới chỉ chú trọng việc nâng cao quy mô sản xuất, sản lượng mà chưa thật sự quan tâm tới việc nâng cao giá trị và tính bền vững trong phát triển. Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông Steven Jaffee nhận định, Việt Nam là quốc gia thành công trên thế giới trong việc đạt được mục tiêu giảm nghèo, phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao. Chính phủ cũng phải xem xét đến đầu tư công, những thay đổi về đô thị hóa, công nghiệp hóa…, có như thế mới tạo ra những sản phẩm bền vững, chất lượng.
Lợi ích của nông dân: Sẽ được quan tâm nhiều hơn
Theo các chuyên gia, vai trò của nông nghiệp trong kích thích tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo nên tiếp tục được nhấn mạnh. Hiện, khoảng 70% dân số Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn. Và một quốc gia đang tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể thiếu sự tham gia của phần lớn dân số này. Trong quá trình đó, không thể thiếu sự điều tiết, định hướng của Chính phủ. GS.TS Jikun Huang, Trung tâm Chính sách nông nghiệp Trung Quốc (Viện Khoa học Trung Quốc) nêu ví dụ, tại quốc gia này có bài học nhãn tiền là từ 15 năm trước, khi nhu cầu táo đỏ tăng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nông dân thay đổi cơ cấu thông qua việc chuyển đổi phần lớn diện tích sang sản xuất táo đỏ dẫn đến cung vượt quá cầu, gây rớt giá. Hậu quả là nhiều nông dân phải chặt bỏ cây táo đỏ hoặc để táo thối trên cây hơn là lỗ chi phí thu hoạch. Thị trường này đã quay trở lại trạng thái bình ổn sau 2 - 3 năm khi định hướng thay đổi cơ cấu của chính phủ kết thúc.
Có thể nói, mục tiêu hay mục đích có ý nghĩa cần phải dựa trên phân tích thị trường rõ ràng. Điều Chính phủ cần làm là tạo ra hạ tầng thị trường, giao thông tốt hơn, đưa ra các chính sách phù hợp giúp nông dân thực hiện kế hoạch của mình. Một nghiên cứu nhu cầu thị trường là rất cần thiết phục vụ cho các mục tiêu sản xuất trọng tâm đề ra trong đề án tái cơ cấu. Mục tiêu của chính sách trong thay đổi cơ cấu không chỉ để nông dân thấy cần làm gì mà còn giúp bà con tự đưa ra quyết định của mình dựa trên nhu cầu thị trường và giảm thiểu các trở ngại giúp họ nhanh chóng đạt được kế hoạch sản xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát: "Các ý kiến đóng góp giúp chúng tôi điều chỉnh cách nghĩ, cách tiếp cận và sẽ bổ sung làm rõ hơn các mục tiêu về chất lượng, xã hội, môi trường, đặc biệt thể hiện rõ hơn quan tâm đến lợi ích của nông dân, nhất là người nghèo. Chúng tôi luôn nghĩ rằng cần phải làm gì để nông dân có lợi hơn. Thay đổi để có hiệu quả hơn và cộng tác với nhau, thông qua điều chỉnh cơ chế chính sách, sử dụng tốt hơn công cụ về đầu tư công, phát triển nguồn nhân lực".
Thúy Nga