Tái cơ cấu nông nghiệp để chủ động hội nhập

Sau khi chuyên đề “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long” đăng trên báo Tin tức Cuối tuần số 37, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần có những định hướng, giải pháp đúng đắn nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:  Đổi mới tư duy “kinh doanh nông nghiệp”

Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ cần đến “sự chuyển đổi lớn” của ngành nông nghiệp từ trung ương đến địa phương, mà cần sự tham gia của nông dân và doanh nghiệp. Người nông dân phải ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tư duy về lợi thế cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua. 

Phần lớn trong số hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải “lo ăn xổi ở thì”, đối phó ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn. Danh xưng “vựa lúa quốc gia” dành cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có từ lâu, nhưng nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Cần thương mại hóa ngành lúa gạo và sản xuất nông sản, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm giàu.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh:Huỳnh Sử- TTXVN

Cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, HTX, giữa doanh nghiệp, HTX với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo hài hòa trong phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cho chuỗi nông sản chủ lực lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra.

Trước mắt, cần tổ chức thực hiện tốt Quyết định 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL.

Tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân rộng các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng miền khác trong cả nước. Đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng là xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao, các “Cluster (tập hợp các doanh nghiệp, tổ chức cùng hoạt động trong một lĩnh vực) lúa gạo, trái cây, thủy sản” dựa vào những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới.


Ông Hồ Minh Khải, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Cờ Đỏ: Đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất

Ở lĩnh vực lúa gạo, khi Việt Nam tham gia thị trường ASEAN, TPP, AFTA… thì các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực muốn bảo hộ ngành sản xuất trong nước đã dựng hàng rào kỹ thuật. Họ sử dụng thiết bị hiện đại kiểm tra các tiêu chí như hàm lượng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, độ ẩm, độ thơm… Trong khi các doanh nghiệp, các ngành chức năng của ta chưa trang bị thiết bị tiên tiến này nên rất khó xuất khẩu gạo và các thị trường khó tính nêu trên. Mặt khác hiện nay, mỗi doanh nghiệp, địa phương, các đơn vị nghiên cứu khoa học chưa thống nhất về tiêu chuẩn lúa gạo. Vì vậy, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng chưa tin tưởng về chất lượng sản phẩm. 

Do vậy, nhà nước, các viện, trường, sở ngành chức năng nên tích cực đưa tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất, chuyển tải, hướng dẫn đến nông dân, có kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp có đầu tư cánh đồng lớn để đầu tư các thiết bị tiên tiến trong việc kiểm định chất lượng lúa giống, lúa gạo hàng hóa. Chính phủ có cơ chế chính sách cụ thể tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các Tham tán thương mại với các doanh nghiệp xuất khẩu. 


PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Đẩy mạnh cho vay các mô hình sản xuất lớn

Tại ĐBSCL, việc đầu tư để ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mở rộng quy mô sản xuất để tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô có được từ ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong thời gian tới, các ngân hàng cần tìm kiếm các khách hàng là doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhu cầu vay vốn để đầu tư vào khoa học công nghệ, ứng dụng những phương thức sản xuất tiên tiến trên thế giới vào sản xuất kinh doanh để cung ứng vốn và các dịch vụ ngân hàng đi kèm. Việc chọn lựa khách hàng và dự án đầu tư phù hợp với định hướng này cũng như thiết kế các sản phẩm tín dụng, phương thức cho vay phù hợp là yếu tố tiên quyết bảo đảm thành công của chính sách tín dụng. Ngoài việc cho vay quy mô lớn và trong trung, dài hạn, ngoài đòi hỏi về nguồn vốn trung, dài hạn còn cần có sự phối hợp giữa các ngân hàng theo phương thức cho vay đồng tài trợ, góp phần giảm rủi ro cho ngân hàng.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phải phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là các sản phẩm cho vay theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm thế mạnh cả vùng. Để khuyến khích tăng trưởng tín dụng từ phía cầu và giảm mức độ rủi ro tín dụng ngay từ khâu thẩm định, quyết định cho vay, các ngân hàng có thể nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực, từng sản phẩm. Đặc biệt chú trọng các sản phẩm tín dụng tài trợ cho các dự án có liên kết chặt chẽ theo chuỗi.
Anh Đức (ghi)
http://baotintuc.vn/