Tái cơ cấu nông nghiệp trước yêu cầu phát triển bền vững

TQĐT - Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 5,4%/năm nhưng kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu còn phổ biến... Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm làm tăng giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững.

Yêu cầu đổi mới tổ chức sản xuất

Trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản có chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và giảm tỷ trọng trồng trọt, hiện kinh tế nông nghiệp chiếm 86,4%, trong đó chăn nuôi chiếm tỷ trọng 41,3%; lâm nghiệp chiếm 10,4%; thủy sản chiếm 3,2%. 
 


Sản xuất cây keo giống tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa.
 Ảnh: Duy Hùng

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn manh mún, phân tán, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh còn chậm, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại chưa nhiều; hiện mới chỉ có làng chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) được công nhận là làng nghề. 


Thêm vào đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích trung bình toàn tỉnh hiện mới chỉ đạt 54,1 triệu đồng/ha. Nguyên nhân, theo Sở Nông nghiệp và PTNT là do giống cây không đảm bảo chất lượng, việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP chưa phổ biến, trồng rừng và nuôi trồng thủy sản chủ yếu theo phương thức quảng canh, năng suất thấp, việc xây dựng nhãn hiệu và xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn thấp... Ở nhiều khu vực vùng sâu, xa sản xuất nông nghiệp còn mang nặng tính tự cung, tự cấp. 

Tái cơ cấu để tăng giá trị gia tăng

Với lợi thế sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, có nhiều vùng chuyên canh, nhiều loại cây, con đặc sản, để tạo nên sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng làm tăng giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 4%; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Trong trồng trọt, phát huy lợi thế của từng địa phương, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây chè, cam, mía, lạc, gỗ nguyên liệu, đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt từ 110 - 120 triệu đồng. 

Đối với chăn nuôi, theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến 2020, chăn nuôi sẽ chiếm tỷ trọng 45% với mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, an toàn sinh học theo hướng VietGAP là chủ đạo. Theo đó, tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi hàng hóa tập trung và trang trại, gia trại đạt 40 - 50%; sản lượng thịt hơi các loại là trên 72.000 tấn. 

Về thủy sản, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 12.200 ha, trong đó tăng tỷ lệ nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao từ 20% hiện nay lên 50% vào năm 2020. Trong đó tận dụng diện tích mặt nước từ các hồ thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Chiêm Hóa, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nuôi các loại cá đặc sản như dầm xanh, anh vũ, chiên, bỗng. 

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực sự tạo ra giá trị mới, theo hướng bền vững, tỉnh tập trung vào các nhóm giải pháp chính như: chỉ đạo hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất; hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, các mô hình hợp tác, liên kết bốn nhà, liên kết giữa các hộ sản xuất, tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất nông sản có sản lượng lớn, chất lượng ổn định; chuyển từ mô hình kinh doanh gỗ nhỏ sang mô hình kinh doanh gỗ lớn...

Theo: baotuyenquang.com.vn