Tái cơ cấu nông nghiệp - từ chính sách đến thực tiễn

Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam - từ chính sách đến thực tiễn” do Bộ NN-PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đã diễn ra ngày 17-1, tại Hà Nội với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, lãnh đạo nhiều bộ ngành cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp.
Ảnh minh họa
Năm 2014, lần đầu tiên giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt trên 30 tỷ USD. Nông nghiệp là chỗ dựa quan trọng trong bối cảnh kinh tế suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, GS Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, vật tư và các nguồn lực tự nhiên khác. Động lực cho sự tăng trưởng nông nghiệp dường như bị chững lại. Từ thực tế đó, các chuyên gia đều khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp đã trở lên bức bách. Đầu tư công để tái cơ cấu nông nghiệp cần được thực hiện có trọng điểm, không tràn lan. 
 
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, có tới 7 vấn đề cần chú ý trong tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là tổ chức lại 10 triệu hộ sản xuất cơ sở hiện nay. Theo đó, mô hình doanh nghiệp liên kết với HTX cần được nhân rộng vì thực tế đã có nhiều HTX thành công. HTX không phủ định, thay thế kinh tế hộ mà làm cho tính cạnh tranh, tính hiệu quả của kinh tế hộ cao hơn thông qua hình thức hợp tác. Cùng với đó phải tái cơ cấu thị trường cung cấp đầu vào, đầu ra cho nông dân, không thể để nông dân đơn thương độc mã, bất lực trong việc thỏa thuận giá cả đầu vào sản xuất cũng như giá bán nông sản như hiện nay. Tương tự, phải đầu tư cho những sản phẩm quốc gia, đồng hộ từ trung tâm giống quốc gia, có liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong chế biến, lưu thông; có trung tâm kiểm dịch chất lượng nông sản. Thiết lập mối quan hệ tốt hơn giữa khoa học - công nghệ với nông dân. Hình thành bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp, không thể cứ để nông dân khi mất mùa lại cầu cứu nhà nước.
 
Phan Thảo/ Báo SGGP