Tái cơ cấu thị trường nông sản
- Thứ hai - 23/06/2014 21:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo số liệu xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, thời gian qua, Trung Quốc chiếm hơn 60% thị trường xuất khẩu cao su; 70% thị trường xuất khẩu thanh long. Nhiều mặt hàng rau quả khác của Việt Nam cũng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc như: xoài, nhãn, chuối, dừa, dưa hấu...
Trung Quốc hiện cũng là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước năm 2013 đạt 1,1 tỷ USD, trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Chính vì sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nên thời gian qua, nông sản Việt Nam nhiều lần phải ngậm “quả đắng” khi thị trường thay đổi, không ăn hàng hoặc bị dìm giá. Chúng ta đều biết rằng phần lớn nông sản của Việt Nam xuất đi Trung Quốc là xuất thô và qua đường tiểu ngạch.
Trong khi đó, Trung Quốc thường áp dụng chính sách thương mại biên giới địa phương, nên không ổn định, nhiều rủi ro. Khi đã nắm thị phần lớn, gần như độc quyền tiêu thụ, họ sẽ tìm cách hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam. Nếu họ không mua, hàng nông sản của nước ta chỉ còn cách đổ bỏ, như dưa hấu vừa qua và hiện nay là trái vải. Vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của việc thị trường nông sản bị phụ thuộc vào Trung Quốc là do thời gian qua, sản xuất nông sản trong nước theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu chiến lược sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và làm theo quy trình ngược, tức là sản xuất rồi mới tìm thị trường, không ai biết sản xuất bao nhiêu là vừa và bán cho ai.
Từ thực tế này, nông sản nước ta khó thâm nhập vào các thị trường khác nên đa phần phải chấp nhận xuất thô vào Trung Quốc. Nếu không thay đổi cách thức sản xuất, chế biến như hiện nay, nước ta không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà còn khó chen chân vào thị trường nhà giàu như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Để chấn chỉnh tình trạng này, trong nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp sắp tới, nhiều vấn đề đang đặt ra, nhất là đối với những mặt hàng nông sản chủ lực của quốc gia. Theo đó, cần có đột phá trong lựa chọn ngành hàng chiến lược, sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra những sản phẩm thị trường cần trên cơ sở chọn lựa từ tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Muốn thực sự phát triển chuỗi giá trị nông sản, cần xây dựng và phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, trong đó khâu thương mại, marketing đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh đó, cần có sự trở bộ quyết liệt từ ngành nông nghiệp và công thương. Ngành nông nghiệp cần tổ chức quảng bá sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến ở phân khúc giá trị gia tăng cao sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Bộ Công thương cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, nhất là việc chủ động nghiên cứu thị trường, giúp doanh nghiệp xây dựng và đưa ra được những sản phẩm xuất khẩu phù hợp với thị hiếu và tính chất của thị trường, từ đó cơ cấu lại sản xuất. Ngoài ra, việc đẩy nhanh đàm phán và tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, đặc biệt là sẽ hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
TRẦN MINH TRƯỜNG
theo sggp