Tam An xây dựng nông thôn mới

Tam An xây dựng nông thôn mới
Qua hơn ba năm thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ (2010 - 2013), xã Tam An (Phú Ninh, Quảng Nam) đã vươn mình như một điểm sáng của chương trình “hiện đại hóa nông thôn” ở Quảng Nam.


Vươn lên từ con số “0”


Tam An là một xã nghèo, từ khởi điểm “số không”, trên địa bàn xã hoàn toàn chỉ độc canh cây lúa. Chưa nơi nào phát triển được thị tứ hay chợ đầu mối. Cả xã chỉ có 3 trường tiểu học, ngoài ra không có đường nhựa hay bê-tông; cũng chẳng có cơ sở chăn nuôi hay công nghiệp qui mô nào. Xét theo 19 tiêu chí về nông thôn mới của chính phủ, lúc ấy Tam An chỉ có thể đạt được từ 3 đến 5 tiêu chí phụ trợ. Thậm chí năm 2010, cán bộ chuyên trách kỹ thuật của xã hầu như chưa có, “bộ khung” chỉ bắt đầu hình thành từ cuối năm 2009 để kịp tham gia các lớp tập huấn về “kế hoạch xây dựng nông thôn mới”, do tỉnh và huyện tổ chức...

 

Cánh đồng mẫu lớn đem lại ấm no cho người dân.


Đến đầu năm 2010, huyện Phú Ninh nhân rộng mô hình “Xây dựng nông thôn mới” gắn với “đời sống văn hóa mới” ra toàn huyện. Dù còn rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng tổ chức Đảng và chính quyền xã Tam An cùng quyết tâm, không để địa phương mình thua kém. Đối chiếu 19 tiêu chí trong Đề án XDNTM thì thực tế đời sống trên địa bàn còn một khoảng cách quá xa. Mức sống của đại bộ phận nông dân còn rất thấp; cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều thôn còn chưa có điện thắp sáng; diện nghèo khó còn chiếm tỷ lệ gần 14%. Nhờ đội ngũ lãnh đạo từ xã đến thôn đều nhận thức rõ, đây là cơ hội để người dân trong xã thoát khỏi đói nghèo và làm thay đổi diện mạo của đời sống nông thôn. Vì vậy, căn cứ vào thực tiễn khó khăn của địa bàn, chính quyền xã đề ra mục tiêu phấn đấu qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2010- 2012) đạt một số tiêu chí cơ sở; giai đoạn 2 (2013-2015) hoàn thành 19 tiêu chí “Xây dựng nông thôn mới” của Nhà nước.


Đổi thay ngỡ ngàng


Qua 3 năm đầu thực hiện kế hoạch (2010-2012), tuy chưa phải đời sống của nhân dân trong xã đã hoàn toàn “lột xác”, thoát nghèo nhưng bức tranh nông thôn đã nổi lên nhiều gam màu tươi sáng khá ngoạn mục. Những điểm sáng ấy không chỉ vụt hiện trên những cánh đồng, những nẻo đường làng bê-tông mà trước hết ở nếp nghĩ, ở tầm nhìn của cán bộ và nhân dân trong toàn xã. 

 

Hệ thống đường giao thông cơ bản đã hoàn chỉnh.


Bí thư Đảng ủy xã, ông Bùi Kim Anh, tâm sự: “Thực ra, ban đầu chính những người lãnh đạo chúng tôi cũng thấy khó... nhưng nhờ sự đồng tâm, quyết chí cao của Đảng ủy và chính quyền, chúng tôi đã lần lượt triển khai kế hoạch từng bước. Cái gì thấy thuận và lợi cho dân trước thì làm trước và đã đạt được một số tiêu chí lớn!”. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và huyện, chính quyền xã Tam An đề ra phương án thực hiện theo cách “cuốn chiếu”- từng bước chậm mà chắc. Chỉ trong vòng hai năm 2011-2012, những tiêu chí rất căn cốt về “Nông thôn mới” như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; Giao thông nông thôn; Chợ nông thôn; Văn hóa - giáo dục căn bản đã hoàn thành. Đến cuối năm 2012, xã Tam An đã hoàn thành 12/19 tiêu chí theo Đề án của Chính phủ.


Điều đầu tiên gây ấn tượng mạnh ở Tam An là hệ thống “Điện - đường - trường - trạm” thay đổi khá bắt mắt. Chỉ trong một thời gian không dài, khắp đường làng ngõ xóm ở Tam An đã được bê-tông hóa. Nhà Văn hóa thôn, xã đang được xây dựng khá khang trang. Xây mới được hai chợ Hòa Tây và Quán Rường. Trạm Y tế xã được nâng cấp, mở rộng và đưa vào hoạt động có hiệu quả... Cùng trong dịp Tết ấy, phần lớn các trục đường liên thôn đã có “đèn đường” thắp sáng và không còn cảnh nhếch nhác, lầy lội như trước.

Hai trục đường liên xã ĐT 615 đi Tam Phước và ĐH... đi xã Tam Thành đã được trải nhựa phẳng phiu, quy củ. Đặc biệt, tuyến đường ĐT 615 ngoài kinh phí tỉnh hỗ trợ xây dựng con đường, còn việc giải phóng mặt bằng hai bên đường hoàn toàn do dân tự nguyện hiến đất, không nhận tiền đền bù giải tỏa. Còn nhiều trục đường khác khi đổ bê-tông, nhân dân cho chính quyền “nợ” cả công cán lẫn quỹ đất... Nếu đem sánh việc giải phóng mặt bằng này với thực trạng ở nhiều nơi khác thì hiệu quả của nó không phải chỉ được tính bằng con số nhiều tỷ đồng. Đó chính là giá trị nhân văn, là nếp nghĩ mới của bà con nông dân ở quê nghèo này. Ngay cả với những người con xa quê về ăn Tết cũng bất ngờ về một cuộc “cách mạng nông thôn” mà không phải nơi nào cũng có. Để đạt được kết quả bước đầu này đó là nhờ có sự thống nhất cao giữa ý Đảng với lòng dân.


Quả thực, cái khó nhất của bà con nông thôn xưa nay là tập tính sản xuất cá thể, ngại thay đổi nếp sống, nếp nghĩ. Vì thế, khi chính quyền xã đưa ra chủ trương quy hoạch lại đồng ruộng, thay đổi phương thức sản xuất mới, thời gian đầu đã gặp không ít những thách thức, trở lực từ chính người hưởng lợi. Nhờ biện pháp kiên trì, vừa vận động vừa tổ chức thực hiện những “mô hình mẫu”, dần dà chính quyền đã thuyết phục được đông đảo bà con hưởng ứng. 

 

Trong công tác “Qui hoạch và thực hiện qui hoạch”, xã Tam An lần lượt tiến hành trong 2 năm (2011-2012) về căn bản đã hoàn thành 3 mục tiêu lớn: Qui hoạch về hạ tầng nông thôn mới; qui hoạch sử dụng đất và qui hoạch đất sản xuất. Đến cuối năm 2012, xã Tam An đã vượt qua những trở lực khó khăn nhất, trong việc dồn điền đổi thửa để UBND huyện Phú Ninh ra QĐ phê duyệt hoàn thành 3 quy hoạch, tạo đà cho cán bộ cùng nhân dân Tam An hoàn thành đồng bộ 11 tiêu chí lớn khác, chỉ trong năm 2012. Qua 6 tháng đầu 2013, một số hạng mục của các tiêu chí trên đã bắt đầu “ đạt ngưỡng” như trường học, hộ nghèo, trình độ cán bộ xã...


Điểm sáng sau lũy tre làng


Nhiều điểm đặc biệt đã nổi lên như một “hiện tượng” giữa vùng quê nghèo khó, lam lũ này. Trong khi nhiều vùng ven đô thị Tam Kỳ, đến nay vẫn chưa hoàn thành hệ thống đường và thủy lợi thì ở xã Tam An hình ảnh về thiết chế văn hóa - xã hội; về y tế - giáo dục... đã khá chỉnh chu, bài bản. Toàn xã đã hoàn tất 34 km đường bê-tông, theo tiêu chuẩn; đã xây mới và chuẩn hóa được 2 cơ sở Mẫu giáo và 2 trường Tiểu học liên thôn; đang hoàn thiện 1 trường THCS để đạt chuẩn cấp tỉnh..


Tam An là đơn vị đi tiên phong về qui hoạch và xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp của huyện Phú Ninh. Từ điểm xuất phát ban đầu chỉ là sản xuất hộ nhỏ lẻ, manh mún hiện nay cả xã đã qui hoạch được nhiều cánh đồng mẫu lớn, ở các thôn: An Hòa, An Thiện, Thuận An, An Thọ. Đến nay được sự hỗ trợ của xã, nông dân Tam An đã mua được tổng cộng 16 chiếc máy, trong đó có 10 máy cày và 6 máy gặt liên hợp. Những vụ mùa vừa qua, phương tiện cơ giới này không chỉ giúp người dân giải quyết kịp thời mùa vụ mà còn xử lý căn bản tình trạng thiếu lao động sản xuất trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, tình hình an ninh - trật tự nông thôn ở Tam An luôn được đánh giá là xã “thuần” nhất về an ninh trật tự; nạn trộm cắp vặt cũng không còn xảy ra trong dân cư.

Đội Tự quản thôn không chỉ việc giữ gìn sự bình yên và tài sản chung mà còn có nhiệm vụ bảo vệ môi trường xanh, sạch trên cả cánh đồng lẫn ở xóm làng. Trong mỗi thôn, bà con tự giác xây dựng những hố rác công cộng và chủ động hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Tam Kỳ đến thu gom. Ngoài đồng ruộng không còn cảnh vứt bao bì, chai thuốc trừ sâu bừa bãi mà mỗi người đều tự nguyện mang đến những “hố rác độc hại” để tiêu hủy. Những việc làm tuy nhỏ nhưng thực sự có ý nghĩa lớn với bà con nông dân, nhất là tinh thần cộng đồng và cách nghĩ “cấp tiến”. Xã Tam An đã được Nhà nước tuyên dương là “Đơn vị dẫn đầu về an ninh Tổ quốc”. Trong năm 2012, đây cũng là xã được Bộ Công an và tỉnh Quảng Nam nhiều lần cấp bằng khen về “An ninh trật tự” và “Bảo vệ môi trường”. Trong báo cáo điển hình, tiêu biểu ngày 22/8/2013 vừa qua, tỉnh Quảng Nam chỉ chọn 2 đơn vị cấp xã: Đó là Điện Quang của huyện Điện Bàn và Tam An của huyện Phú Ninh là mô hình hiệu quả nhất của đề án xây dựng nông thôn mới này.

 

 

Bài và ảnh: Hữu Cường
Nguồn baotintuc.vn