Từ bao đời nay, nhiều loài dược liệu quý hiếm vẫn sinh sôi, nảy nở dưới chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Để phục vụ việc chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Tam Đảo đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, bảo tồn và bổ sung những loài dược liệu quý hiếm từ các vùng miền của đất nước, làm phong phú vườn thuốc Nam địa phương.
Hiện, nhiều diện tích dưới tán rừng, đất canh tác kém hiệu quả, đang được bà con tích cực trồng dược liệu.
Trồng ba kích dưới tán lim xanh
Ông Lăng Văn Thinh (thôn Sơn Đình, xã Đại Đình) cho biết, ông có 1ha đất đồi, sát với rừng lim xanh 40 - 50 năm tuổi của Vườn quốc gia Tam Đảo. Nhiều năm trước, ông trồng dứa nhưng không hiệu quả, lại chuyển sang trồng đào cảnh, đào thế hơn 1 năm nay, song, cây đào cũng không thuận lợi như mong muốn.
Sau nhiều trăn trở, suy tính, ông Thinh sực nhớ, cây ba kích vốn rất thích hợp khi trồng dưới tán rừng. Hàng trăm năm trước, khu vực này là thủ phủ của ba kích. Gần đây nhất, năm 1990, dưới rừng lim này vẫn bạt ngàn ba kích, song, người Trung Quốc đã sang thu mua và do thiếu hiểu biết nên bà con đã khai thác kiểu tận diệt, cả một thời gian dài cây ba kích vắng bóng ở Tam Đảo.
Rất may, ba kích Tam Đảo cũng như cây sâm Ngọc Linh, là vị thuốc quý, bổ thận tráng dương, dùng để ngâm rượu, bồi dưỡng sức khoẻ rất tốt, nên bà con khôi phục ngày càng nhiều, thị trường đang rộng mở. Do vậy, ông quyết định bỏ cây đào cảnh, chuyển sang trồng ba kích tím vào đầu năm 2019.
Với diện tích 1ha, ông trồng 3 vạn cây ba kích, sau 3 tháng cây mới leo giàn. 4 năm sau sẽ cho thu hoạch, bình quân 2 - 4kg/cây, giá 100.000 - 150.000 đồng/kg. Khi chúng tôi có mặt tại vườn, ba kích đang phát triển xanh tốt.
Ông Thinh cho biết, trồng ba kích khá đơn giản, trước tiên mua màng nylon rộng 90cm phủ trên mặt luống, sau đó khoét lỗ trồng cây, cứ 2 đoạn 90cm làm thành 1 luống. Do vườn của ông hình vòng cung nên các luống cũng ngắn, dài khác nhau. Sau khi trồng cây cách cây 40cm thì cắm giàn bằng dèo tre, đan hình mắt cáo để cây leo. Khi trồng không bón phân, sau đó tưới thuốc kích rễ và phân vi lượng. Hiện, ông Thinh dẫn nước suối từ rừng Tam Đảo, cách nhà khoảng 4km, về tưới cho vườn ba kích.
Tuy nhiên, ba kích có đặc điểm, sau 4 năm thu hoạch củ, phải chuyển đất mới, trồng luân canh cây khác, 4 năm sau mới quay lại. Vì vậy, dự tính, sau khi thu hoạch ba kích, ông sẽ trồng Trà hoa vàng ở đây, chuyển ba kích lên khu đồi 2ha, để tiếp tục canh tác. Cũng như Trà hoa vàng, ba kích Tam Đảo nổi tiếng bởi chất đất và khí hậu phù hợp.
Thăm vùng dược liệu Đạo Trù
Nằm dưới chân núi Tam Đảo, khu trồng và nuôi cấy dược liệu của anh Lý Xuân Cường (thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù), có 2 địa điểm: Diện tích đang trong giai đoạn quy hoạch, cách nhà 1km, rộng 4,7ha, tại khu đồi Giang, từ chân lên đỉnh đồi 320m; khu vườn ở gia đình rộng 1,7 mẫu (1 mẫu = 10 sào, 1 sào Bắc Bộ = 360m2), với trên 250 loài dược liệu khác nhau.
Anh Cường cho biết, trước mắt đang tập trung quy hoạch khu vườn đồi trồng náng hoa trắng 1 mẫu, khoảng 4.000 cây, mua giống ở Học viện Nông nghiệp, chữa u tiền liệt tuyến, u nang buồng trứng, có tác dụng gấp 4,5 – 4,6 lần cây trinh nữ hoàng cung. Nguồn gốc xuất xứ từ rừng Tam Đảo, song, trên rừng chỉ còn rất ít, một phần do sâu bệnh, phần do khai thác bừa bãi, và đang đứng trước nguy cơ tận diệt. Náng hoa trắng ưa bóng mát, thu hoạch 3 lần/năm, băm nhỏ phơi khô, bán cho các bệnh viện hoặc để nấu cao.
Đặc biệt, trong vườn của anh còn có cây xạ đen, Trà hoa vàng, dây thìa canh là những loại dược liệu thời gian gần đây phải sử dụng rất nhiều để ngăn ngừa và chữa trị bệnh ung thư, tiểu đường. Hiện, xạ đen có 6 sào, cây dễ trồng và rất hợp thổ nhưỡng Tam Đảo, nếu di thực đến nơi khác vẫn trồng được, song chất lượng kém hơn. Xạ đen trồng 1-2 năm có thể cho thu hoạch.
Được biết, gần đây, thế giới đã ghi nhận Tam Đảo là cái nôi sản sinh cây Trà hoa vàng, với những tác dụng đặc biệt như: chống ô xy hoá, khả năng dập tắt gốc tự do, dùng để ngăn ngừa và chữa trị ung thư rất tốt, hiện, giá hoa khô ở Tam Đảo là 15-17 triệu đồng/kg. Hiện, anh Cường trồng 1 mẫu Trà hoa vàng tại khu vườn đồi. Ngoài ra, còn có 1 mẫu dây thìa canh (hỗ trợ tuyến tuỵ, chữa bệnh tiểu đường); 1 mẫu cây sâm trâu (chữa bệnh thận), thu hoạch 7-8 tạ/năm; sắp tới, anh còn trồng thêm ba kích tím.
Lãnh đạo huyện Tam Đảo thăm vườn dược liệu của anh Cường (ngoài cùng bên phải).
Theo anh Cường, khu dược liệu này do bố anh là Lương y Lý Thuỷ, hành nghề bốc thuốc Nam hơn 40 năm nay, gây dựng nên. Cách đây không lâu, do tuổi cao, ông Thuỷ đã giao cho anh, là con trai cả, canh tác, quản lý cây thuốc ở cả 2 khu vực nói trên.
Được biết, ông Thuỷ cũng đã hướng dẫn con trai bốc thuốc, nấu cao thuốc Nam từ rất sớm. Hiện, anh Cường đã có thể hành nghề độc lập; nhất là trong việc bảo tồn, gìn giữ vườn thuốc Nam quý hiếm của gia đình, cũng như của Hội Đông y Tam Đảo.
Thuốc Nam chữa được nhiều bệnh, từ đơn giản như đau đầu, cảm cúm, sởi, đến những bệnh nan y như dạ dày, gan, thận, gút, ung thư. Vì vậy, ngày càng có nhiều người chủ động phòng ngừa và chữa bệnh bằng cây thuốc Nam, thông qua ăn uống hàng ngày những loại dược liệu thông thường như: diếp cá, tía tô, bồ công anh, ngải cứu, gừng, sả…
Định hướng của địa phương
Thiên nhiên ban tặng cho người dân dưới chân núi Tam Đảo nguồn thuốc Nam vô cùng quý giá, có tác dụng chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ rất tốt. Tuy nhiên, do có khoảng thời gian dài chưa được bảo tồn, quy hoạch đúng mức, dẫn đến cạn kiệt nguồn “vàng xanh” quý hiếm. Nhất là cây Trà hoa vàng. Chưa kể, còn nhiều loài dược liệu quý hiếm khác đã bị tuyệt chủng, chưa thể kiểm đếm được.
Vì vậy, để chấm dứt tình trạng trên, các ngành chức năng ở địa phương, đặc biệt là Trạm Khuyến nông Tam Đảo, đã vào cuộc rất tích cực.
Bà Trần Thị Kim Dung, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Tam Đảo, cho biết: “Năm 2018-2019, Trạm Khuyến nông được huyện giao thực hiện kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá năng suất, chất lượng, hiệu quả cây dược liệu đưa lại thời gian qua. Hiện, Trạm đã tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển mô hình cây dược liệu tập trung. Tính đến nay, đã trồng mới được trên 7ha ba kích, 3ha Trà hoa vàng, đinh lăng và một số dược liệu khác, chủ yếu phát triển trong các hộ dân. Ví như, ba kích ở Đạo Trù, Đại Đình; Trà hoa vàng ở Tam Quan…
Được biết, đã có các công ty thu mua sản phẩm Trà hoa vàng cho bà con, đóng ở Tam Quan. Phần lớn mua hoa tươi về chế biến, vì giá thành cao nên chủ yếu xuất khẩu. Nhìn chung, đầu ra của cây dược liệu khá thuận tiện, do nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao. Ba kích chưa đến mùa thu hoạch, thương lái đã đặt mua hết ngay tại ruộng, bà con không phải lo đầu ra.
Trao đổi với chúng tôi, Quyền Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, ông Nguyễn Hồng Hiệp, cho biết: “Do địa hình, khí hậu đặc trưng được thiên nhiên ban tặng, Tam Đảo có hệ thống thực vật phong phú, đặc biệt là cây dược liệu. Hiện, Tam Đảo ước có trên 200 loài dược liệu khác nhau, trong đó có nhiều cây thuốc quý như: Trà hoa vàng, lược vàng, ba kích, hoàng đằng, tam thất, cẩu tích, bổ cốt toái… Song, chưa được quản lý chặt chẽ, việc khai thác tự nhiên quá mức, chưa đi đôi với tái tạo, bảo tồn, khiến nhiều cây thuốc quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư phát triển cây dược liệu khá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu (3 -5 năm). Quy hoạch đất đai của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới vào sản xuất. Đó là những hạn chế, cản trở không phải dễ dàng giải quyết trong một sớm, một chiều.
Giải pháp của Tam Đảo là sẽ kết hợp với 85 hội viên Hội Đông y Tam Đảo, tương đương với 85 vườn thuốc Nam của Hội, trước mắt, hỗ trợ bà con kinh phí sưu tầm, bảo tồn cây dược liệu quý hiếm trong vườn nhà; đây là những vườn thuốc Nam lưu trữ được nhiều loại dược liệu quý. Về lâu dài, chuyển những diện tích đất xấu, bạc màu, canh tác kém hiệu quả sang trồng dược liệu, trồng xen dưới tán rừng. Đồng thời, chủ động xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là Trà hoa vàng, ba kích tím…”.