Tam Đảo sắp thành huyện nông thôn mới

Tam Đảo sắp thành huyện nông thôn mới
Bằng những nỗ lực của bộ máy chính quyền cũng như nhân dân toàn huyện, Tam Đảo đang khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế sẵn có để tô điểm thêm sắc màu cho bức tranh NTM nơi đây.

Là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, Tam Đảo gặp phải nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng NTM. Nhưng bằng những nỗ lực của bộ máy chính quyền cũng như nhân dân toàn huyện, Tam Đảo đang khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế sẵn có để tô điểm thêm sắc màu cho bức tranh NTM nơi đây.

 

Trường mầm non xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo được xây dựng khang trang

Đầy khó khăn

Địa hình, khí hậu không mấy thuận lợi, diện tích đất sản xuất ít, đó là những khó khăn cơ bản trong phát triển nông nghiệp nói riêng cũng như kinh tế nói chung của vùng quê Tam Đảo khi mới bắt tay vào xây dựng NTM. Hơn nữa, khoảng 44% dân số nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức của người dân về xây dựng NTM chưa được cao.

Năm 2011, Bồ Lý được lấy làm xã thí điểm thực hiện xây dựng NTM. Những kết quả tích cực rõ rệt từ khi xã này về đích đã khiến nhân dân toàn huyện thay đổi nhận thức và chủ động hơn nhiều trong công cuộc xây dựng NTM. Tiếp nối là xã Hợp Châu, Hồ Sơn và Minh Quang cán đích, nâng số xã đạt chuẩn trong huyện lên 4/8 xã.

Để có kết quả như vậy là nhờ có sự thay đổi lớn trong nhận thức của nhân dân Tam Đảo. Họ đã phát huy được vai trò làm chủ của mình trong công cuộc xây dựng NTM, chủ động phát triển trồng trọt, chăn nuôi và dần có sự chuyển đổi sang cả ngành dịch vụ.

Vì Tam Đảo còn là một huyện miền núi với kinh tế khó khăn, nên nguồn thu từ sự đóng góp của nhân dân khá hạn chế, chủ yếu bà con hiến đất và ngày công lao động xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học, nhà văn hóa…

Tam Đảo như được thổi thêm luồng gió mới đầy sức sống để dần thay da đổi thịt. Hình ảnh con đường lầy lội bùn đất ngày mưa gió, bụi mịt mù ngày nắng nóng nay đã không còn, thay vào đó là 300km đường giao thông được cứng hóa.

Đường trải nhựa, trải bê tông sạch sẽ thẳng tới những khu dân cư với nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang, đẹp đẽ. 17/40 trường học đạt chuẩn quốc gia ở 3 cấp học.

Thay đổi tư duy sản xuất

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa sạch, an toàn và vệ sinh môi trường ngày càng được đẩy mạnh. Trang trại lớn nuôi lợn, gà được hình thành nhiều, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, sản xuất rau toàn toàn tập trung thành vùng cũng được chú trọng phát triển.

Tam Đảo đang cố gắng khai thác lợi thế rừng núi và ao hồ, tiến hành thí điểm mô hình mới như nuôi dê núi tại xã Minh Quang, nhân rộng mô hình hiệu quả cao cho người nông dân như nuôi cá lồng bè tại xã Hồ Sơn, trồng cây dược liệu tại Đạo Trù, Đại Đình.

Anh Dư Văn Hai (người dân tộc Sán Dìu, Bản Long, xã Minh Quang) chia sẻ, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn thí điểm mô hình nuôi dê núi tại địa bàn xã Minh Quang nên gia đình quyết định thử nghiệm một đàn 26 con.

Dự kiến đến hết năm 2016 đưa xã Đại Đình và Yên Dương về đích, và đến hết năm 2017 sẽ đưa Tam Đảo trở thành huyện NTM với việc cán đích của hai xã cuối cùng là Đạo Trù và Tam Quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Tam Đảo sau 6 tháng, tiến độ triển khai thực hiện của các xã đối với những tiêu chí chưa đạt còn chậm, đặc biệt là liên quan đến thủ tục thu hồi đất, thủ tục giải phóng mặt bằng, có lý do tỉnh phân bổ kinh phí chậm.

Thấy nuôi dê dễ dàng hơn so với các loài khác, lại được hỗ trợ về giống và kỹ thuật, khả năng mang lại hiệu quả cao nên sắp tới anh sẽ tăng thêm 70 con để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Khai thác lợi thế du lịch

Tam Đảo có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như khu du lịch nghỉ mát Tam Đảo, khu di tích danh thắng Tây Thiên cùng một hệ thống hồ đẹp như hồ Vĩnh Thành, hồ Xạ Hương… Đó là lợi thế rất lớn về du lịch để huyện Tam Đảo khai thác, gắn du lịch với phát triển kinh tế, xây dựng NTM.

Với địa hình núi cao, ruộng bậc thang trên vùng núi Tam Đảo, tưởng như đó là bất lợi cho việc phát triển kinh tế bởi khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhưng Tam Đảo đã biến chính khó khăn đối với nông nghiệp thành thuận lợi đối với du lịch.

Hàng năm, các khu du lịch của Tam Đảo thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, tạo nguồn thu nhập lớn. Dần dần đang có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang dịch vụ tại các vùng du lịch như thế này.

Từ địa hình, đất đai không phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp có thể chuyển đổi sang ngành mới khiến cho cuộc sống người dân khấm khá hơn. Ngược lại, việc xây dựng NTM cũng tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch. Ví dụ như các tuyến đường nối đến các khu du lịch đều được cứng hóa, thuận tiện cho khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tam Đảo cho biết, huyện đang có những định hướng chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ, đô thị hóa đất nông nghiệp đối với những vùng có lợi thế về du lịch.

Điều này đang được lãnh đạo chính quyền cũng như nhân dân ủng hộ. Nông nghiệp sẽ vẫn được duy trì tại những nơi đó nhưng chủ yếu là để phục vụ du lịch như mô hình trồng rau su su an toàn thành vùng tập trung với khoảng 30 ha trên thị trấn Tam Đảo.

 Mô hình trồng su su lấy ngọn đã có khá lâu tại Tam Đảo tập trung ở hai nơi chủ yếu là địa bàn xã Hồ Sơn và thị trấn Tam Đảo. Su su an toàn Tam Đảo đã trở thành thương hiệu đối với khách du lịch trực tiếp đến đây và cả đưa đến các tỉnh khác. Cho đến nay, mô hình này vẫn được giữ vững, duy trì lâu dài để phục vụ dịch vụ du lịch.

Việc phát triển du lịch có thể mang đến nguy cơ về ô nhiễm môi trường, chất lượng nông sản hoặc văn hóa “chặt chém” khách du lịch. Vì vậy, huyện luôn chỉ đạo sát sao trong kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường, quản lý tốt các vấn đề liên quan đến du lịch và luôn phát triển hài hòa giữa du lịch và NTM.


Theo: Việt Chinh/nongnghiep.vn