Tạm biệt nước sông

Tạm biệt nước sông
Đến nay, toàn xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã có hơn 460 hộ vay vốn từ Chương trình Nước sạch và VSMTNT với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Tạm biệt nước sông
Người dân ở Phú Thuận B phấn khởi khi được sử dụng nước sạch
 
Trước đây, nhiều người dân xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có thói quen sử dụng nguồn nước sông, kênh rạch, chứa nước mưa và nước giếng khoan để sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày.
Những nguồn nước này hầu hết đều không bảo đảm vệ sinh an toàn cho sức khỏe con người. Để người dân tích cực sử dụng nước sạch, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Phú Thuận B đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT).
Mặt khác, cũng tích cực tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Đến nay, toàn xã có hơn 460 hộ vay vốn từ Chương trình Nước sạch và VSMTNT với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Đây là một trong những việc làm hiệu quả mang ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng nông thôn.
Đặc biệt, nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn, gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay trên.
Gia đình chị Võ Thị Muội, ở ấp Phú Lợi B, sau khi được hỗ trợ vay vốn với số tiền 6 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch, vui mừng chia sẻ: “Trước kia sử dụng nước dưới sông dùng mô tơ bơm lên, nói chung là không đảm bảo sức khỏe, không được sạch sẽ. Sau này được hỗ trợ vay tiền để lắp đặt nước sạch nên gia đình tôi yên tâm và sử dụng nước thoải mái".
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động như truyền thông về sinh môi trường, tổ chức các hoạt động vệ sinh cộng đồng dân cư, thông qua các buổi sinh hoạt của các hội đoàn thể mà ý thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch và giữ gìn VSMTNT được nâng lên.
Từ đó giúp hạn chế số người mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và bệnh do nguồn nước gây ra trên địa bàn dân cư.
Ông Đào Văn Lợi, ngụ ấp Phú Lợi A, cho biết: “Nước sông bây giờ ô nhiễm lắm. Trước kia, chưa có nước sạch nên chuyện sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào nguồn nước sông là chính.
Chính sách hỗ trợ đưa nước sạch về nông thôn rất thiết thực với hộ nghèo, hộ khó khăn trong công tác đảm bảo sức khỏe và môi trường sống. Từ đó, góp phần nâng cao sức khỏe, an tâm lao động để phát triển kinh tế và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM.
 
Nhà tôi nghèo không có mô tơ bơm lên mà phải gánh từng thùng nước cho vào lu chờ lắng trong rồi sử dụng, nên không đảm bảo sức khỏe, con cái thường bị mắc bệnh về đường tiêu hóa.
Sau này, Nhà nước đầu tư hệ thống nước sạch phục vụ nhân dân thì không còn lo lắng về sức khỏe nữa”.
Theo thống kê, toàn xã Phú Thuận B có 4.319/4.379 hộ sử dụng nước sạch; trên 78% số hộ có công trình hợp vệ sinh như: nhà tiêu, nhà tắm, nơi đổ rác thải.
Hiện toàn xã có 3 trạm cấp nước sạch, phân bố đều ở 3 ấp của xã. Công suất của các trạm cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước sạch cả xã.
Cuối năm 2014, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Đồng Tháp đầu tư 7 tỷ đồng cho Trạm cung cấp nước sạch ấp Phú Trung với công suất 1.440m3/ngày đêm và thiết kế với tổng chiều dài đường ống cấp nước trên 5km phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Diễm, Phó Chủ tịch xã Phú Thuận B, cho biết thực hiện theo chương trình, kế hoạch của Đảng ủy, UBND xã đã phối hợp với ban ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền để nhân dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, tích cực sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe thực hiện chỉ tiêu về NTM.
Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để các hộ dân có thể tiếp cận chương trình vay vốn ưu đãi để được sử dụng nước sạch.
Hoàng Vũ - Chí Trung
Theo: nongnghiep.vn