Tam nông: Trọng điểm số một của công nghiệp hóa

Tam nông: Trọng điểm số một của công nghiệp hóa
Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong 69 năm qua, nhưng nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để xứng đáng là trọng điểm số một trong công cuộc đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Sức ỳ

Việt Nam đã sắp bước qua năm thứ tư của 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã được khởi đầu, nhưng đang gặp sức ỳ trong bước khởi đầu.

  Tam nông: Trọng điểm số một của công nghiệp hóa  
  Còn nhiều việc phải làm để Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam xứng đáng là trọng điểm số một của CNH  

Với ngành nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng tuy đã có bước cải thiện so với trước, nhưng vẫn còn rất thấp so với yêu cầu và so với thế giới. Khả năng phòng chống thiên tai, dịch bệnh thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, trình độ tay nghề, trình độ khoa học - công nghệ của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản còn thấp.

Năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản năm 2013 mới đạt 27 triệu đồng/người, thấp xa so với năng suất lao động chung (68,7 triệu đồng/người); tương đương mức 1293,6 USD/người, thấp xa so với nhiều nước.

Chính năng suất lao động thấp đã làm cho hiệu quả, sức cạnh tranh của nông, lâm - thủy sản của Việt Nam còn thấp, tích lũy cũng thấp. Ở nhiều vùng, nhiều cây con, nông dân chỉ lấy công làm lãi, thậm chí còn bị lỗ khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Chính vì thế, vốn đầu tư tự có của khu vực này còn rất mỏng.

Cũng do năng suất lao động thấp, nên thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của nông dân thấp. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn chỉ bằng một nửa khu vực thành thị. Tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn năm 2013 cao gấp gần 3,3 lần khu vực thành thị…

Một hạn chế, bất cập và thách thức khác rất khó lượng hóa được, đó là tâm lý tiểu nông của một bộ phận không nhỏ người sản xuất và quản lý của khu vực này; là tư tưởng coi nhẹ nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một bộ phận không nhỏ cán bộ các cấp, các ngành. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường ở khu vực này chưa được quan tâm đầy đủ. Nông, lâm - thủy sản phần lớn chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế, không có thương hiệu riêng, nên bị thua thiệt khi xuất khẩu.

Trọng điểm số một

Trong bối cảnh trên, cần giải quyết một số vấn đề nông, lâm nghiệp - thủy sản như sau:

Một là, phải coi trọng hơn nữa vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Hai là, phải coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm số một của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước hết, phải trang bị kỹ thuật, chế biến làm tăng giá trị nông, lâm, thủy sản để thay đổi bộ mặt nông thôn. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ nhằm phát triển bản thân ngành công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế, bởi nếu chỉ như thế mà bỏ quên nông nghiệp, thì cũng không bao giờ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ba là, tăng tỷ trọng vốn đầu tư theo nhóm ngành này tương đương với tỷ trọng trong GDP (hiện ở mức 20%), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư xã hội vừa thấp, vừa giảm: năm 2013 chỉ còn bằng trên 1/4 tỷ trọng tương ứng về GDP. Vốn đầu tư nhà nước là quan trọng nhất và là “vốn mồi” để kéo vốn đầu tư từ các nguồn khác. Cần có cơ chế khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân đưa vốn về nông thôn.

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa việc chế biến để nâng cao giá trị tăng thêm của nông sản, lâm sản, thủy sản.

Năm là, hoàn thiện pháp luật, chính sách về đất đai để nông dân yên tâm sản xuất lâu dài và thực hiện tích tụ ruộng đất, làm tăng giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích.

Sáu là, rút bớt lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ, tăng tỷ lệ dân số thành thị theo hướng ly nông bất ly hương.

Bảy là, coi trọng hơn nữa thị trường trong nước, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả nhập khẩu, đưa hàng về nông thôn, tăng mật độ chợ ở một số vùng hiện còn rất thấp…

Tám là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới - công cuộc đổi mới lần thứ hai ở nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chín là, kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ nơi sản xuất và từ cửa khẩu.

Mười là, kéo nông dân làm quen với cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập với nước ngoài, giảm thiểu tâm lý tiểu nông.