Tam nông có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
- Thứ năm - 06/09/2018 21:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 6/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo "Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản – Những bài học từ thực tiễn”.
Dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung; Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản Tsutomu Takebe.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, "tam nông" có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ toàn diện nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo tích cực đối với các giải pháp về: Xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Đây là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng, Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đã phát triển thành nước có nền kinh tế xếp thứ 3 thế giới với nền nông nghiệp hiện đại, thành thị và nông thôn phát triển mạnh mẽ, đời sống nông dân được bảo đảm và có các chính sách an sinh xã hội tốt.
Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người và xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp có hệ thống công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai, đối tác du lịch thứ ba, đối tác thương mại thứ tư và đang hướng đến triển khai thực hiện Chương trình hợp tác nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tại Việt Nam trong tầm nhìn trung và dài hạn với kỳ vọng mục tiêu xây dựng thành công mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp trong khu vực...
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, luôn đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Từ một nước phải thường xuyên phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng nông sản, trong đó có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê… Năm 2017, giá trị nông sản xuất khẩu đạt mức kỷ lục 36,37 tỷ USD. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thử thách lớn.
Tuy nhiên, trình độ cán bộ Hội các cấp còn nhiều hạn chế. Việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để cán bộ Hội đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và đào tạo nông dân có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực là đòi hỏi cấp thiết đối với Hội Nông dân Việt Nam hiện nay.
Theo ông Thào Xuân Sùng, hội thảo được tổ chức với mục đích thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, rút ra bài học đối với Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ Hội sẽ được tổ chức thực hiện trọng thời gian tới.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam xây dựng "Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp" vào năm 2012 trong đó đưa ra kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây đã đem lại doanh thu cao, tăng năng xuất và khả năng cạnh tranh. Ông Kunio Umeda cho biết, Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã cùng ký kết "Biên bản ghi nhớ hợp tác hướng tới phổ cập quy chuẩn, công nhận chất lượng nông sản và thực phẩm ở Việt Nam". Đây là hoạt động thể hiện sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách nông nghiệp ở Nhật Bản, ông Kimura Yoshihisa, Cố vấn cao cấp về chính sách phát triển nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, thành công của nông nghiệp Nhật Bản là chuyển đổi mô hình bằng cách tăng cường chăn nuôi, trái cây và rau quả, đồng thời ưu tiên phát triển trồng lúa trên quy mô lớn nhằm nâng cao tính thanh khoản của đất nông nghiệp, Ông Kimura Yoshihirsa chỉ ra các biện pháp nhằm cải thiện năng suất nông nghiệp thông qua việc thành lập các dự án dồn điền đổi thửa. Từ đó giảm bớt những hạn chế trong các quy định tiếp nhận các công ty nói chung liên quan đến cho thuê đất nông nghiệp.
Đại biểu đến từ Việt Nam và Nhật Bản đã tập trung thảo luận những chủ đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của 2 nước... Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới cần phải coi tăng trưởng nông nghiệp bền vững là chìa khóa quan trọng. Bên cạnh đó, thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp thông qua sự liên kết công tư; áp dụng kiến thức của doanh nghiệp tư nhân, kỹ thuật và bí quyết, mạng lưới và nguồn vốn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực...