Tân Phú về đích nông thôn mới
- Thứ hai - 22/10/2018 19:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Lê Thành Vũ, Giám đốc Hợp tác xã giống cây trồng Phú Thịnh (xã Phú Thịnh) giới thiệu mô hình trồng dừa giúp nông dân thoát nghèo trên vùng đất đá. |
Đây là xã vùng núi khó khăn nhất của tỉnh Đồng Nai, nhưng địa phương đã nỗ lực về đích xây dựng nông thôn mới với nhiều chỉ tiêu ấn tượng, nhất là trong thay đổi sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
* Huyện nghèo bứt phá
Với xuất phát điểm thấp là huyện miền núi nghèo nên ban đầu Tân Phú đặt mục tiêu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, Tân Phú đã nỗ lực phấn đấu và đạt mục tiêu về đích sớm vào năm 2018.
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Tân Phú là huyện có tỷ lệ hộ nghèo thuộc hàng cao nhất tỉnh. Cụ thể, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là gần 23%. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,44% vào tháng 6-2018 theo chuẩn nghèo của tỉnh (cao hơn chuẩn nghèo của cả nước) là nỗ lực không nhỏ của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú cho biết: “Khởi điểm của địa phương có nhiều khó khăn nhưng phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của nông dân vẫn rất sôi nổi. Số hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp không ngừng tăng nhanh đồng thời luôn nhiệt tình giúp đỡ các hộ nghèo về kinh nghiệm sản xuất, cho vay vốn, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, cây con giống... cùng nhau giảm nghèo”.
Ấn tượng nhất là việc tăng thu nhập cho nông dân. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện ở mức rất thấp 14,5 triệu đồng/người/năm. Nhưng đến năm 2017, con số này đã tăng lên gấp 3 lần đạt gần 45,5 triệu đồng/người/năm. Ước năm 2018, mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn của huyện đạt trên 50,8 triệu đồng/người/năm.
* Không ngừng thay da, đổi thịt
Theo ông Lê Thành Vũ, Giám đốc Hợp tác xã giống cây trồng Phú Thịnh (xã Phú Thịnh): “Phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển về sản xuất đã làm địa phương nghèo không ngừng thay da đổi thịt. Trước đây, nông dân chủ yếu trồng lúa, hoa màu với thu nhập rất thấp. Nhưng hiện nay, những vùng đặc sản cây ăn trái như: sầu riêng, cam, quýt... dần thay thế. Địa phương ngày càng có nhiều nông dân tỷ phú”.
Đặc sản bưởi da xanh ruột hồng cho thu nhập cao tại huyện Tân Phú. |
Những dự án cánh đồng lớn đang được nhân rộng, chuyển hướng sản xuất sạch theo chuẩn xuất khẩu để đạt lợi nhuận cao cho những cây trồng kém hiệu quả. Công ty TNHH Kim Đồng Thuận đã đầu tư dự án cánh đồng lớn cây lúa VietGAP với quy mô 200 hécta tại xã Phú Điền. Sản phẩm gạo không hóa chất của doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu tốt đi nhiều nước trên thế giới. Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận cho hay: “Hiện chúng tôi đã xuất khẩu rất tốt vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Tuy mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đặt ra yêu cầu về loại gạo, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nhưng chúng tôi đều đáp ứng được vì đã xây dựng quy trình chuẩn sản xuất sạch. Doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư những vùng nguyên liệu sản xuất rau, trái cây sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây chủ lực có giá trị cao như: tiêu, sầu riêng, cây có múi. Theo đó, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất không ngừng tăng cao và đạt trên 139 triệu đồng/hécta, cao hơn rất nhiều so với con số gần 68 triệu đồng/hécta vào năm 2011. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao đang tiếp tục được nhân rộng như: trồng và khai thác dó bầu cho thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/hécta/năm; trồng sầu riêng đạt thu nhập bình quân 950 triệu đồng/hécta...
Theo Bình Nguyên/baodongnai.com.vn