Tân Tây bảo vệ thành quả NTM

Từ một vùng đất gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, số hộ đói, hộ nghèo cao, giờ đây Tân Tây đã đổi thay đáng kể về mọi mặt.
Những con đường liên ấp, liên xã của Tân Tây

Năm 1979, khi chính thức được thành lập, Tân Tây là xã thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười ở huyện Thạnh Hóa (Long An). Năm 2009, Tân Tây được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nay đang chuẩn bị được công nhận là xã NTM đầu tiên của Thạnh Hóa.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Ông Lê Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Tân Tây, cho biết, xã có diện tích tự nhiên gần 3.800 ha. Gần 30 năm trước chỉ có khoảng 800 ha lúa 1 vụ với năng suất lúa từ 2 - 3 tấn/ha. Trải qua quá trình khai hoang, phục hoá, mở rộng…, năm 2009 diện tích lúa đạt trên 1.000 ha, hầu hết là đất trồng lúa 2 vụ.

Nhờ hệ thống thủy lợi và áp dụng các biện pháp canh tác lúa hiệu quả nên năng suất lúa đã tăng lên đáng kể (bình quân trên 6 tấn/ha).

Đến 2013 và 2014, tổng sản lượng lúa cả năm đạt 23.708 tấn, bằng 122,4% so với chỉ tiêu huyện giao. Ngoài cây lúa, Tân Tây còn có hơn 320 ha đất trồng khoai mỡ, 50 ha dứa có thu nhập khá cao…

Nhờ vậy đến cuối năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của Tân Tây đã đạt 29 triệu đồng/năm. Mặc dù xuất phát điểm khi phát động xây dựng NTM của Tân Tây khá thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí, nhưng nay, các tiêu chí còn chưa đạt đầu năm như thu nhập, nhà ở dân cư nông thôn và y tế… đã hoàn thành vào cuối tháng 10 vừa qua.

Ông Hoa Vinh Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, cho biết: Người dân Tân Tây chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong đó, lúa nếp và cây khoai mỡ là chính. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã đầu tư hơn 38 tỷ đồng vào hệ thống đê bao, trạm bơm điện, cơ sở kết cấu hạ tầng… Người dân cũng ủng hộ bằng cách hiến đất để các tiêu chí về giao thông nhanh chóng hoàn thành, như: ông Võ Văn B (ấp 2), ông Mai Văn Cao (ấp 2), ông Nguyễn Long (ấp 3), ông Nguyễn Văn Lựa (ấp 1)…

Để đẩy mạnh SX nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập của người dân Tân Tây, Huyện ủy Thạnh Hóa đã xây dựng dự án cánh đồng mẫu lớn, đang quy hoạch vùng chuyên canh khóm bởi hiện nay, 1 ha khóm nông dân thu lợi được 50-60 triệu đồng/vụ.

Ngoài ra chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lấy ngắn nuôi dài, hỗ trợ cây con, xây dựng các tổ hợp tác hướng về SX và dịch vụ… cũng đã được hoạch định rõ ràng.

15-58-38_ntm-cho-tn-ty

Chợ Tân Tây, hình ảnh chợ xã tiêu biểu trong xây dựng NTM của Long An

ƯU TIÊN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Ông Huỳnh Kim Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Thạnh Hóa cho biết, cho đến thời điểm này Tân Tây đã đạt 19 tiêu chí nhưng xã vẫn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng ý thức trong nhân dân để không có vướng mắc, bất cập trong quá trình đánh giá, thẩm định cũng như trong công tác bảo vệ thành quả đạt được của quá trình xây dựng NTM một cách lâu dài.

Ông Lê Văn Lợi khẳng định: Từ đầu năm đến nay trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi có nhiều bất lợi, cánh đồng lớn được duy trì nhưng giá cả xuống thấp, tình hình dịch cúm gia cầm còn tiềm ẩn khó lường, nhưng chúng tôi tin tưởng những gì mình đạt được là cơ sở vững chắc cho tương lai Tân Tây giàu mạnh.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến cán bộ các cấp quan tâm và lo lắng không phải là hoàn thành đê bao, lộ giao thông như nhiều nơi khác mà là xây dựng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

“Vấn đề ô nhiễm do SX công nghiệp thì không đáng lo vì xã chỉ có các nhà máy xay xát, lau gạo được Phòng TN-MT kiểm định, kiểm tra liên tục và có sự cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường. Cái đáng ngại là thói quen xả rác và xử lý rác trong khu dân cư.

Ngoài việc chỉ đạo Cty CP Đô thị huyện Thạnh Hóa kết hợp UBND xã đặt các thùng rác dọc khu dân cư và chợ Tân Tây cũng như các giao lộ chính, thì các ban ngành đoàn thể còn phải đi đến từng hộ dân tuyên truyền về cách xử lý rác cho các hộ”, ông Tùng nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch UBND xã Tân Tây thì lo lắng, khó khăn nhất trong việc bảo vệ môi trường ở đây là phần lớn nông dân sau khi phun thuốc BVTV xong vứt vỏ, hộp trên bờ đê hoặc vứt xuống kênh mương, rác này sẽ gây ô nhiễm môi trường lâu dài.

Khi các tổ chức đoàn thể đưa ra phương án hiến đất xây dựng mỗi ấp 2 hố, mỗi tháng xe Cty công trình đô thị đi thu gom một lần để tiêu hủy được người dân rất ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Lựa không chỉ hiến đất gần 2.000m2 để xây dựng đê bao, cầu đường phục vụ giao thương còn hiến thêm đất để xây hố trữ rác BVTV. Ông Lựa chia sẻ: Mình chỉ hy sinh vài vuông đất nhưng đường sá lưu thông, môi trường sạch sẽ thì sức khỏe người dân trong đó có gia đình mình ngày càng được đảm bảo.

Đặc biệt, với quan điểm hỗ trợ chính sách gắn liền hỗ trợ dạy nghề nông thôn, từ đầu năm đến nay, Tân Tây đã có hơn 500 người được đào tạo nghề. Đây là lĩnh vực Thạnh Hóa được tỉnh đánh giá cao vì việc đào tạo còn được gắn với trình diễn thực tế.

Ví dụ: mở lớp trồng nấm rơm thì có mô hình trồng nấm cho người lao động thực tập, kết thúc khóa học cũng thu hoạch luôn.

PHƯƠNG CHI - THANH SA
Theo: nongnghiep.vn