Tân Yên: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa - động lực xây dựng nông thôn mới
- Thứ ba - 20/01/2015 01:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhân rộng vùng hàng hóa tập trung
Xác định phát triển sản xuất là yếu tố quan trọng để tăng thu nhập cho người dân nên thời gian qua, UBND huyện Tân Yên đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo và khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa. Căn cứ lợi thế, tập quán canh tác của từng địa phương, UBND huyện quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đồng thời chỉ đạo các xã tích cực vận động người dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, tạo điều kiện thuận lợi đưa các giống cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào canh tác.
Để thu hút các hộ dân cùng tham gia sản xuất thành vùng, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rau quả chế biến quy mô từ 2 ha trở lên 2 triệu đồng/ha/vụ; 3 triệu đồng/ha/vụ cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trồng cây hàng hóa với quy mô từ 3 ha trở lên…Đồng thời hỗ trợ từ 250 -500 nghìn đồng/ha/vụ cho ban điều hành ở các thôn có khu đồng trồng lạc từ 5 ha trở lên và 10 triệu đồng/vụ cho ban điều hành có khu sản xuất rau quả chế biến từ 3 ha trở lên, rau quả thực phẩm, lúa chất lượng từ 5 ha trở lên.
UBND huyện thưởng 3-5 triệu đồng cho các đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản có giá trị hợp đồng trên 3 tỷ đồng/năm đối với sản phẩm trồng trọt. Các phòng chuyên môn của huyện tăng cường chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Đến nay trên địa bàn huyện Tân Yên đã hình thành 108 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô từ 3-20 ha/vùng, tập trung ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện và của tỉnh là: Song Vân, Ngọc Vân, Quế Nham, Ngọc Châu, Quang Tiến, Liên Sơn, Cao Thượng, Ngọc Lý, tăng 40 vùng so với năm 2012.
|
Với những biện pháp trên, trên địa bàn huyện hình thành ngày càng nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung như rau quả thực phẩm, lạc giống, rau quả chế biến cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như cánh đồng trồng dưa chuột bao tử thôn Công Thành, xã Quang Tiến diện tích gần 20 ha; thôn Ngoài Hạ, xã Cao Thượng 6 ha, thu nhập hơn 160 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Du, thôn Ngoài Hạ, thông tin: “Trồng dưa chuột bao tử thành vùng tập trung, người dân có nhiều thuận lợi như: Được cung ứng giống, tập huấn kỹ thuật thường xuyên và được các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Với hai sào dưa chuột bao tử, trừ chi phí mỗi vụ gia đình tôi lãi 9-10 triệu đồng. Đây là nguồn thu đáng kể để cải thiện đời sống, sửa sang nhà cửa khang trang, nuôi các con học hành tiến bộ”. Hay tại thôn Lý 1 và Lý 2, xã An Dương, người dân trồng 30 ha dưa hấu, lãi gần 150 triệu đồng/ha/năm.
Chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhờ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nên năm 2014, thu nhập mỗi ha đất canh tác ở Tân Yên đạt 93 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so với năm 2013, cao hơn so với bình quân chung của tỉnh 23 triệu đồng. Thu nhập nâng lên, người dân có đóng góp, đầu tư đáng kể để xây dựng nông thôn mới”. Từ năm 2011 đến nay, người dân Tân Yên đã đóng góp gần 170 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như: Đường giao thông, đường nội đồng, kênh mương, nhà văn hóa”.
Đặc biệt, năm 2014, huyện có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới là Quang Tiến và Liên Sơn, về đích trước kế hoạch một năm. Các xã còn lại đều đạt 13,25 tiêu chí, trong đó hai xã Phúc Hòa, Lam Cốt đạt 15 tiêu chí”. Thời điểm này, toàn huyện có 22 xã xây dựng nông thôn mới thì có 20 xã đạt mức thu nhập từ 17-27 triệu đồng/người/ năm, vượt sàn tiêu chí quốc gia. Diện mạo nông thôn, nhất là ở các xã xây dựng nông thôn mới thay đổi rõ nét.
Tới xã Cao Thượng, chạy xe một vòng trên những con đường bê tông phẳng lì, phong quang sạch sẽ, chúng tôi cảm nhận cuộc sống thay đổi tích cực đang hiện hữu trong từng nếp nhà của người dân. Đến nay, xã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 4,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: “Kinh tế phát triển nên việc huy động người dân đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ở Cao Thượng rất thuận lợi. Xã đã xây dựng hai đề án làm đường giao thông nông thôn và cứng hoá kênh mương; vận động mỗi gia đình đóng góp 20 nghìn đồng/khẩu/vụ để làm đường giao thông và 5 nghìn đồng/sào/vụ để cứng hoá kênh mương. Mỗi năm toàn xã huy động từ nhân dân được 300-350 triệu đồng. Xã hiện chỉ còn 4 tiêu chí nông thôn mới đang thực hiện (không phải thực hiện tiêu chí chợ), đạt 80% khối lượng công việc phải thực hiện”.
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, năm nay, UBND huyện Tân Yên tiếp tục rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung các giải pháp phấn đấu đưa xã Cao Thượng và Ngọc Lý về đích. Các xã còn lại đăng ký hoàn thành từ hai tiêu chí trở lên.
Theo: baobacgiang.com.vn