Tăng cường chính sách và nhân lực cho nông thôn

Gần đây, các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân luôn “nóng” trong chương trình nghị sự của nhiều địa phương, khi diễn ra Đại hội đảng bộ. Khảo sát cho thấy nhiều nơi “đi” khá nhanh trong xây dựng nông thôn mới, nhưng cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản còn thấp… Tại hội nghị MTTQ của một tỉnh, vấn đề trên được bàn thảo sôi nổi.

 

- Suy cho cùng, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư, coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt. Nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình này.

- Thực tế, nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới chỉ coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng mà chưa có kế sách tốt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất nông nghiệp chưa bền vững. Ngành, nghề, dịch vụ phát triển chậm...

- Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường đòi hỏi ứng dụng khoa học, công nghệ ngày càng phổ biến theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến...

- Thực tế trên mâu thuẫn với cơ cấu, trình độ lao động nông thôn đang nhiều bất cập, yếu kém. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo rất thấp. Tư duy và kỹ năng của nông dân lại chưa bám sát theo hướng sản xuất các loại nông sản có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao.

- Thiết nghĩ, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, trước hết phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực gắn liền nâng cao vai trò làm chủ của người nông dân. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng vùng.

- Thực tiễn đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao làm việc trong ngành nông nghiệp; huy động đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn; đào tạo, sử dụng cán bộ, chuyên gia xây dựng nông thôn mới...

- Việc Việt Nam tham gia TPP (Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương) đặt chúng ta trước yêu cầu cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường… Các ý kiến tạo được sự đồng thuận của hội nghị, tham gia đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Theo LÊ MẬU LÂM/nhandan.org.vn