Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quốc tế về quản lý giống cây trồng
- Thứ ba - 27/06/2017 04:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, lượng giống lúa cơ bản sản xuất trong nước đáp ứng được trên 80%, số còn lại nhập từ nước ngoài. Giống ngô sản xuất trong nước mới đáp ứng 40%; các giống cây trồng khác như cây công nghiệp, cây ăn quả cây lâm nghiệp chủ yếu là sản xuất trong nước. Các loại giống rau, hoa chủ yếu sản xuất ở trong nước theo phương pháp truyền thống và hiện nay được nhập khẩu vào sản xuất ngày càng nhiều với chủng loại phong phú.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thời gian qua được thành lập theo quy định hiện hành, hoạt động bình đẳng, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay FDI. Vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển giống mới ngày càng tăng. Trong số giống lúa được công nhận, có 61% giống do doanh nghiệp và các trung tâm giống nghiên cứu chọn tạo; 19/26 giống ngô được công nhận do doanh nghiệp chọn tạo…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Thời gian qua, ngành giống cây trồng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, chọn tạo thành công được nhiều giống tốt đưa vào sản xuất. Trong đó, đã có nhiều giống cây trồng cho năng suất cao như: lúa, cà phê,… Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất giống cây trồng ngày càng tăng, công tác lai tạo giống cây trồng cũng được Chính phủ quan tâm ủng hộ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, hiện nay, công tác giống cây trồng của Việt Nam vẫn còn khá nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý, chưa có hệ thống văn bản quản lý đầy đủ. Pháp lệnh giống cây trồng 2004 đã không còn phù hợp với nhu cầu của toàn cầu hóa. Đồng thời, việc kiểm tra, chứng nhận mới chỉ dừng ở chỉ tiêu năng suất; các tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định giống vẫn còn thiếu. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để tạo điều kiện cho việc phát triển và cung cấp ra thị trường các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt có vai trò hết sức quan trọng.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm về những nỗ lực cải cách, việc giảm gánh nặng tuân thủ khi đăng ký giống cây trồng mới cũng như việc cải thiện, kiểm soát chất lượng và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác giống cây trồng. Đồng thời, các vấn đề nhu cầu của người nông dân cải thiện giống cây trồng, quy trình công bố giống, các giống cây trồng trong khu vực, quyền của người nông dân và người tạo giống, kiểm soát chất lượng giống cây trồng, thực thị quyền sở hữu trí tuệ cũng là các chủ đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận.
Theo ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia IFC (Tổ chức tài chính quốc tế) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, mục tiêu cuối cùng của công tác giống cây trồng vẫn là cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho người nông dân và hướng đến việc xây dựng các quy định về chứng nhận và cấp phép giống cây trồng. Với việc đạt được mục tiêu này sẽ thu hút đầu tư tư nhân, gia tăng sản xuất một số giống cây trồng được chứng nhận và góp phần tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện sinh kế cho hàng triệu nông dân khu vực Mê Kông.
Còn theo ông Achim Fock - Giám đốc điều phối danh mục đầu tư và hoạt động dự án - WB tại Việt Nam, sử dụng giống cây trồng cải tiến sẽ cải thiện chất lượng và giúp các nước khu vực Mê Kông vươn tới những thị trường ngách của thế giới.“Trong tương lai, giống cây trồng càng trở nên quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về môi trường và biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu lớn hơn đối với lương thực thực phẩm có chất lượng cao hơn”, ông Achim Fock nhận định.
Nhân dịp này, nhóm WB đã giới thiệu sáng kiến “Cẩm nang hạt giống cho mọi người”. Cẩm nang là một hướng dẫn toàn diện hỗ trợ các nhà chính sách ở các nước đang phát triển xây dựng, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và thiết lập các ưu tiên có tính thực tế phù hợp với năng lực hiện tại về giống cây trồng.