Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ ba - 24/02/2015 02:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong xây dựng NTM, tất cả các tiêu chí đều quan trọng và có quan hệ biện chứng với nhau. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt tiêu chí thu nhập là cơ sở quan trọng nhất, là “trục xoay” để thực hiện các tiêu chí khác. Muốn phát triển nhanh về kinh tế để không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp ứng dụng chuyển giao các TBKHCN vào sản xuất. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các TBKHCN, sáng tạo kỹ thuật (STKT) được triển khai sâu rộng trong ngành nông nghiệp và PTNT.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại HTX Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng |
Từ năm 2010 đến nay có trên 35 đề tài KHCN về nông nghiệp, nông thôn được nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất; hàng trăm mô hình, STKT được thực hiện trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều đề tài, giải pháp STKT có giá trị được nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả cao như: đề tài “Điều tra, đánh giá hiện trạng việc ứng dụng tiến bộ KHCN ngành nông nghiệp giai đoạn 2000- 2010, xây dựng chương trình phát triển KHCN ngành nông nghiệp giai đoạn 2010- 2020”; các đề tài khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi; đề tài “Chăn nuôi an toàn sinh học”, “Bảo tồn và nhân thuần chủng giống lợn Vân Pa”, cải tiến kỹ thuật máy thu lồng bẫy nghẹ....
Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm. Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật vào địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Các tiến bộ KHKT được nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao vào nông nghiệp, nông thôn bao gồm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản tiên tiến; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y chất lượng tốt, an toàn cho con người và môi trường sinh thái; các loại máy móc, công cụ tiên tiến được áp dụng để giải phóng sức lao động, tăng năng suất lao động...
Trong những năm qua, thông qua nhiều kênh, nhiều tổ chức, hộ gia đình đã ứng dụng KHKT vào sản xuất có hiệu quả như các giống lúa Khang dân, HT1, HC95, P6, PC6...; ngô lai Bioseed, VN10; giống sắn KM94, KM98; lạc sen lai, lạc lỳ Tây Nguyên, L14; khoai lang Nhật Bản; cà phê catimor; cao su PB235, PB260, Rimm600; keo lai giâm hom; bò lai sind; lợn siêu nạc; vịt siêu trứng; các giống tôm, cua, cá sạch bệnh, cho năng suất cao; các giống gia cầm, gia súc bản địa chất lượng tốt. Nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến được đưa vào sản xuất như gieo lúa sạ hàng, “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp IPM, ICM, các loại phân vi sinh, phân bón qua lá; kỹ thuật canh tác trên đất dốc, đất cát, đất bồi ven sông; kỹ thuật thâm canh lúa, ngô, lạc, sắn, cao su, cà phê, hồ tiêu...
Từng bước định hình công thức luân canh phù hợp trên từng chân đất. Phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả như VAC, VACR, lúa-cá, luân canh, xen canh cây trồng... nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới mục tiêu cánh đồng đạt giá trị cao trên đơn vị diện tích. Kỹ thuật chăn nuôi lợn siêu nạc, bò thâm canh, nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, cá chình lồng, cá rô phi đầu vuông...
Đánh giá vai trò của KHCN trong sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sự tác động của KHCN đã không chỉ mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của nông dân từ sản xuất quảng canh, tận dụng, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường. Trong nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân chủ động, sáng tạo trong mở mang ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trí tuệ, đất đai, sức lao động của mình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hạt ở thôn Long Thành, xã Tân Long, Hướng Hóa đầu tư chăn nuôi lợn siêu nạc từ 5 năm nay. Đến nay trang trại của chị luôn duy trì đàn lợn thịt 200 con, mỗi năm chị xuất chuồng 4 lứa, trừ các khoản chi phí, chị Hạt có thu nhập 270 triệu đồng/năm. Để đàn lợn ít bị dịch bệnh và chóng lớn, chị học hỏi nhiều kiến thức, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi mà chị tiếp thu được từ các lớp tập huấn. Đặc biệt, chị Hạt rất kỹ càng trong việc chọn giống, lựa chọn thức ăn cho từng lứa tuổi lợn, vệ sinh thú y cho đàn lợn... Nhờ đó, chị Hạt ít gặp rủi ro trong chăn nuôi và mang lại hiệu quả cao. Chị Hạt cho biết: “Trước đây, chăn nuôi thủ công không hiệu quả. Sau này, tham gia lớp tập huấn chăn nuôi lợn siêu nạc, phát triển chuồng trại, tôi đầu tư chăn nuôi có hiệu quả hơn nhiều, đã tạo nguồn thu nhập đáng kể, cuộc sống nhờ vậy được cải thiện hơn nhiều”.
Việc đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao TBKHCN vào sản xuất mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng nhanh năng suất nhiều loại cây trồng, con nuôi chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị nông sản, đời sống của nông dân được cải thiện. Ứng dụng KHCN vào nông nghiệp đã đóng góp tăng trưởng của ngành này khoảng 35%/năm.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, việc ứng dụng các STKT cũng mang lại nhiều hiệu quả như bê tông hóa kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn, đập cao su, cửa cống composit, điều tiết van đóng xả nước bằng điện, kết hợp lâm nghiệp và thủy lợi để cải tạo vùng cát, xây dựng bản đồ ngập lụt, thiết lập các trạm đo cảnh báo lũ để đề phòng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai...
Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các TBKHCN và STKT trong nông nghiệp, nông thôn cũng còn nhiều hạn chế như các chương trình, đề tài, STKT chưa nhiều, chưa có sự đột phá trong ứng dụng vào sản xuất để tạo hiệu quả rõ nét. Việc nghiên cứu, chuyển giao TBKHCN chưa toàn diện. Nhiều TBKHCN và STKT ứng dụng vào thực tiễn nhưng khả năng nhân rộng chưa cao. Cơ sở vật chất và nguồn lực đầu tư cho công tác nghiên cứu và STKT còn hạn chế và chính sách thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao TBKHCN chưa kịp thời và thỏa đáng...
Để KHCN tiếp tục là động lực then chốt nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu, STKT phục vụ xây dựng NTM, thiết nghĩ thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp chính là: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống trong thời kỳ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường thông tin tuyên truyền và nhân rộng về các tập thể và cá nhân tích cực điển hình trong nghiên cứu, ứng dụng, STKT có hiệu quả, đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội, đồng thời đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KHCN ngành nông nghiệp và PTNT.
Bên cạnh đầu tư của nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển KHCN. Kịp thời nhân rộng các mô hình nghiên cứu, ứng dụng TBKHCN có hiệu quả, các STKT có giá trị để cộng đồng cùng hưởng lợi. Xây dựng định hướng trước mắt và lâu dài về nghiên cứu KHCN cụ thể cho từng lĩnh vực trong nông nghiệp, nông thôn. Phát động phong trào nghiên cứu, STKT trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong đội ngũ cán bộ KHKT, kỹ sư, công nhân viên chức, lao động ngành nông nghiệp và PTNT. Hàng năm có sơ kết, tổng kết phong trào để kịp thời động viên, khen thưởng, vinh danh những điển hình có nhiều nghiên cứu, STKT có giá trị, từ đó đưa phong trào này ngày càng phát triển.
Theo: baoquangtri.vn