Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn: Hà Nội tạo diện mạo mới

Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn: Hà Nội tạo diện mạo mới
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới (XDNTM), lãnh đạo TP.Hà Nội cho biết, những năm tới thành phố sẽ quan tâm đầu tư nhiều hơn để bức tranh nông nghiệp, nông thôn đổi mới một cách toàn diện.

Vùng trồng hoa ở xã Tây Tựu-Từ Liêm.

Thi đua XDNTM

Khẳng định vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) có vị trí chiến lược quan trọng, là cơ sở và nền tảng phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Hà Nội đã cùng với cả nước hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức XDNTM” do Bộ Chính trị khởi xướng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở và quần chúng nhân dân đã nỗ lực hết mình, tập trung tối đa nguồn lực đầu tư XDNTM; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách đề ra trong Nghị quyết và Chương trình hành động về tam nông.

Trong quá trình thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU, nhiều huyện, thị xã đã hưởng ứng tích cực và tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Tại các huyện Mê Linh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thanh Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ…, nhiều xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XDNTM. Đơn cử như xã Song Phượng (Đan Phượng), chính quyền đã vận động nhân dân đóng góp trên 71 tỷ đồng (đạt 148%) cùng hàng nghìn mét vuông đất, hàng nghìn ngày công để mở rộng đườngvà xây dựng các công trình phúc lợi; xã Mai Đình (Sóc Sơn) vận động nhân dân hiến gần 6.000m2 đất để hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn; xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) vận động nhân dân đóng góp 14.454 triệu đồng; xã Phùng Xá (Mỹ Đức) vận động được gần 5 tỷ đồng và 3.660m2 đất để kè sông Đáy, mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng…

Đến nay, việc thực hiện 19 tiêu chí XDNTM ở các xã điểm của thành phố đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó có 10 xã đạt và cơ bản đạt 14 - 18 tiêu chí gồm Yên Sở (Hoài Đức), Tây Tựu (Từ Liêm), Liên Mạc (Mê Linh), Phùng Xá (Mỹ Đức), Võng Xuyên (Phúc Thọ), Đại Đồng (Thạch Thất), Xuân Nộn (Đông Anh), Nhị Khê (Thường Tín), Đại Thắng (Phú Xuyên), Đa Tốn (Gia Lâm); 5 xã điểm còn lại đạt và cơ bản đạt 12 – 13 tiêu chí.

Việc tổ chức thực hiện XDNTM không chỉ mang lại diện mạo mới cho các xã điểm mà còn tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các thôn, xóm, thay đổi cả nếp nghĩ cách làm của người dân, đồng thời tạo sự đồng thuận, khẳng định tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Thông qua việc XDNTM, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao đã hình thành và được khẳng định.

Riêng trong công tác dồn điền đổi thửa, đến hết quý III/2012 đã có 99/228 xã có phương án thực hiện, chiếm 43,4%, trong đó có 35/228 xã đã được phê duyệt, số còn lại đang tiến hành xây dựng phương án và xin ý kiến nhân dân. Đến nay, việc đăng ký dồn điền đổi thửa năm 2012 của các huyện đều vượt kế hoạch của UBND thành phố giao (đăng ký 30.795.27ha, tăng 11.350.37ha).

Tăng mạnh đầu tư

Để bảo đảm yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2013 nói riêng, giai đoạn 2013-2015 nói chung, đồng thời thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố và Chương trình 02-CTr/TU, Nghị quyết HĐND thành phố đề ra, Hà Nội đang nghiên cứu, cân đối điều chỉnh, bổ sung tăng thêm vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khối nông nghiệp năm 2013 từ 140-150 tỷ đồng, bảo đảm tương đương năm 2012.

Kinh phí bố trí tăng thêm tập trung ưu tiên bổ sung cho 15 dự án chuẩn bị đầu tư, 10 dự án chuẩn bị thực hiện và 2 dự án bổ sung vốn thực hiện. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu vốn dự án cải tạo nâng cấp mặt đê tả Hồng, đoạn từ Km53+600 đến Km60+850 huyện Đông Anh và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm huyện Thanh Oai. Bố trí vốn năm 2013 để thanh toán cho các dự án cung cấp nước sạch xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ); tạm thời chưa bố trí kinh phí cho hợp phần dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích do UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư (kinh phí 3 tỷ đồng) vì dự án đang trong giai đoạn rà soát điều chỉnh.

Thành phố sẽ đầu tư xây dựng 3 trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm thay thế nhiệm vụ cho hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (chuyển sang phục vụ du lịch); cải tạo, nâng cấp hồ Đồng Sổ (huyện Thạch Thất)...

Những nét chính

Đối với Chương trình 02, thành phố đề ra các mục tiêu phát triển nông nghiệp, XDNTM, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011 - 2015. Về nông nghiệp, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt từ 1,5-2%/năm trở lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 231 triệu đồng/ha; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao chiếm 35%, diện tích trồng rau an toàn tập trung 5.500ha; diện tích trồng hoa, cây cảnh 2.160ha; diện tích trồng mới cây ăn quả chất lượng cao 750ha; bảo vệ và nâng cao chất lượng diện tích rừng 23.600ha. 

Vùng trồng rau an toàn ở Sóc Sơn.


Chăn nuôi ổn định với đàn lợn khoảng 1,4 triệu con, đàn gia cầm 15 triệu con, đàn trâu, bò 200.000 con (trong đó bò sữa 15.000 con). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt trên 400.000 tấn. Mỗi năm chuyển đổi từ 200 - 250ha ruộng trũng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản.

Về XDNTM, phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM; hoàn thành quy hoạch các xã XDNTM trong năm 2012. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa đạt 87%; 98% trạm y tế được kiên cố hóa; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 50 - 55% số trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ được dùng nước sạch đạt 60%; 68% thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; 92% thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao; 100% số cơ sở giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu về an ninh, quốc phòng.

Về nâng cao đời sống nông thôn, thành phố phấn đấu đưa mức thu nhập của nông dân lên 25 triệu đồng/người vào năm 2015, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo phấn đấu đạt 55%, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 70.000 - 75.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-1,8%/năm.

Ông Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, trong những năm tới, Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia XDNTM; làm tốt công tác dân vận, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong XDNTM; tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, trong đó có trách nhiệm của các sở, ngành. Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện có nhiệm vụ rà soát lại đội ngũ làm nhiệm vụ XDNTM ở cơ sở, đề nghị sắp xếp lại những đồng chí thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ... Thành phố sẽ cùng với các huyện tăng cường kiểm tra các xã trong công tác XDNTM để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

TP.Hà Nội vừa ký ban hành Quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã kinh phí hỗ trợ xã thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016.

Theo đó, tổng nguồn ngân sách hỗ trợ chương trình trong giai đoạn này là 500 tỷ đồng, trong đó kinh phí phân bổ ưu tiên xã năm 2012 là 57,5 tỷ đồng; hỗ trợ mua vật tư xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng 229,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng kiên cố hoá giao thông nông thôn, xóm 191 tỷ đồng; hỗ trợ khuyến khích dồn điền đổi thửa 22,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, để bảo đảm cho xã Đại Áng có kinh phí tiếp tục XDNTM, thành phố đã điều chỉnh, bổ sung thêm 96,408 tỷ đồng, đồng thời giảm kinh phí một số hạng mục quy hoạch, tổ chức phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất với số tiền 46,538 tỷ đồng, nâng mức đầu tư cho Đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM xã Đại Áng lên 361,178 tỷ đồng.


Trâm Anh

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn