Tăng hiệu quả bền vững cho tôm nuôi
- Thứ tư - 02/03/2016 19:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vùng nuôi tôm ở xã Thạch Khê (Thạch Hà) là một trong những điểm được dự án lựa chọn xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học. Vùng nuôi này có nguồn nước sạch không ô nhiễm nước thải công nghiệp, sinh hoạt, ít bị nhiễm phèn. Người dân được tham gia các buổi tập huấn về quy trình nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hình thức nuôi hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, tuyệt đối không sử dụng hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng và ưu tiên dùng chế phẩm sinh học, men vi sinh để khống chế và quản lý môi trường.
Mô hình nuôi tôm theo hướng Vietgap của ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) mang lại hiệu quả cao. |
Ông Phan Văn Thức - chủ đầm tôm ở xóm 5, xã Thạch Khê cho biết: Vụ nuôi tôm năm 2015, thông qua dự án, ông thực hiện các khâu theo quy trình hướng dẫn như: tháo cạn, cày bừa làm phẳng đáy ao và gia cố bờ ao rồi lấy nguồn nước từ ao lắng; lắp thêm hệ thống quạt nước phù hợp mật độ nuôi... Ngoài ra, lựa chọn con giống có kích cỡ đồng đều, không nhiễm bệnh, màu sắc sáng đẹp và có giấy chứng nhận kiểm dịch... Nhờ vậy, vụ tôm năm 2015, ông đầu tư gần 300 triệu đồng trên diện tích 0,5 ha nhưng chỉ sau 75 ngày, thu hoạch đạt sản lượng hơn 4 tấn, trừ chi phí, ông thu về gần 150 triệu đồng.
Trong năm qua, dự án đã triển khai được 5 vùng và thành lập 5 tổ cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP với 150 hộ tham gia, tổng diện tích hơn 159 ha, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Theo ông Hà Văn Trà - Phó Giám đốc Dự án CRSD, những mô hình dự án triển khai nhằm mục đích giúp người dân nhận thức được về nuôi tôm bền vững, an toàn sinh học, đặc biệt là nâng cao tính cộng đồng trong vùng và quy trình kỹ thuật cho bà con nông, ngư dân. Theo đó, tăng khả năng kiểm soát chất lượng, giảm thiểu rủi ro, ổn định môi trường ao nuôi; hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi.
Tại những vùng nuôi tôm hiệu quả thấp ở Xuân Phổ (Nghi Xuân), Tượng Sơn (Thạch Hà), thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), do thường xuyên xẩy ra dịch bệnh, dự án đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn nuôi đa dạng hóa tôm xen cua, cá. Bước đầu, hình thức này có tính bền vững cao trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, góp phần mang lại hiệu quả ổn định và bền vững cho người nuôi. Mô hình của ông Nguyễn Trọng Nga ở thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn nuôi tôm xen cá rô phi với diện tích 1 ha mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, chọn con giống chất lượng, mật độ phù hợp... nên sau 4 tháng, ông thu về hơn 264 triệu đồng. Trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt sản lượng 2,6 tấn; cá rô phi đạt 360 kg, lãi ròng hơn 100 triệu đồng...
Ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: Mặc dù kế hoạch triển khai muộn nhưng qua đánh giá các hoạt động hỗ trợ của dự án đã có những tác động tích cực đến chỉ số giám sát tại các vùng VietGAP. Theo đó, tỷ lệ hộ nuôi trồng có nước thải được xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 24%; giảm 64% thiệt hại do dịch bệnh ở các vùng an toàn sinh học được dự án hỗ trợ và 73% người nuôi tôm trong vùng hưởng lợi có sử dụng con giống chất lượng. Năm 2016, dự án tiếp tục triển khai các hoạt động trên 6 vùng VietGAP, 7 vùng đa dạng hóa nhằm nâng cao hiệu quả, tính bền vững cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo: baohatinh.vn