Tăng lương chưa phải là hướng cải cách

Tăng lương chưa phải là hướng cải cách
Về phương án cải cách tiền lương, ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH nhận định, dù phương án nào thì các bước cải cách cũng phải hết sức thận trọng.

Ông đánh giá thế nào về các đề xuất, phương án cải cách tiền lương của các bộ, ngành, đặc biệt là phương án cải cách của Bộ Nội vụ?

- Thực ra phương án cải cách tiền lương hiện nay đúng là có nhiều ý kiến, nhưng nếu chỉ đưa ra phương án tăng lương, tăng mức dãn cách quan hệ tối thiểu, trung bình, tối đa… như Bộ Nội vụ thì chưa thực sự là hướng cải cách.

Hướng quản lý tiền lương cũng chưa thực sự thuyết phục. Tiền lương trong khối hành chính sự nghiệp sẽ liên quan tới lương hưu và phụ cấp cho các đối tượng thuộc diện chính sách. Vì vậy, việc cải cách lương theo hướng này sẽ tác động rất lớn tới ngân sách.

Việc cải cách tiền lương xuất phát từ thực tế hiệu quả của bộ máy nhà nước còn nhiều hạn chế (ảnh minh hoạ).

Ngoài việc đề xuất những cải cách dựa trên quan hệ lương tối thiểu – trung bình - tối đa, Bộ Nội vụ còn đề xuất phải tăng lương của công chức để không thấp hơn lương lao động doanh nghiệp trong cùng khu vực. Trong khi đó, nguồn ngân sách có hạn, ông nghĩ phương án này có hợp lý chăng?

- Lương công chức và lương lao động là hai mảng khác biệt.

Nói riêng về lương công chức thì phải hiểu rằng chúng ta tuyển những người có trình độ khá vào làm việc (ngay cả ở cấp xã thì cũng đạt trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên) chứ không phải là lao động giản đơn. Vì vậy phải xây dựng mức lương hợp lý ở mức trung bình khá so với thu nhập chung của xã hội.

Đề xuất tăng lương tối thiểu công chức theo lương tối thiểu công nhân có tính theo hệ số tức là sẽ tăng gấp từ 0,4 tới gấp đôi hiện nay thì còn phải rất cân nhắc, vì còn trông vào khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Nhưng, như tôi đã phân tích ở trên, việc tăng lương cho công chức không phải là hướng cải cách. Bản chất của việc cải cách tiền lương là vì hiện nay hiệu quả của bộ máy nhà nước còn hạn chế, chân ngoài dài hơn chân trong, tham nhũng trở nên nhức nhối. Cải cách để giải quyết vấn đề đó.

Theo tôi khi đề xuất các biện pháp cải cách cần chú ý đến việc cải cách quản lý tiền lương trong khu vực hành chính sự nghiệp công sao cho 1 đồng lương chi ra có giá trị đúng 1 đồng, chứ không phải là 6 - 7 hào (vì riêng khối này đã chiếm đến 1/3 quỹ tiền lương của cả nước, nếu chi không hiệu quả sẽ lãng phí lớn).

Có ý kiến cho rằng, công chức hiện nay không sống bằng lương. Nếu tăng lương, làm sao để kiểm soát các khoản thu nhập ngoài lương của họ?

- Việc công chức sống nhờ ngoài lương thì cũng có, nhưng chỉ một bộ phận nhỏ, không phải là tất cả. Tại xã, huyện họp thì lấy đâu ra phong bì, mà chỉ một vài dự án, hội thảo lớn thì mới có chế độ gọi là bồi dưỡng nước nôi cho cán bộ. Đa phần cán bộ công chức- nhất là công chức cấp xã, sống bằng lương, lương thấp dẫn tới họ không toàn tâm toàn lực với công việc. Điều đó lại làm nảy sinh lãng phí theo hướng khác.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều cơ quan, cục, vụ… đang thực hiện khoán lương. Tính ra, nếu khoán lương tiết kiệm các khoản chi tiêu, mỗi năm công chức cũng có một khoản thưởng khá lớn từ 20-30 triệu đồng. Tôi cho rằng đây là cách làm hay.

Trong đề xuất của Bộ Nội vụ có đề xuất đưa tiền lương vào tính 3 hình thức dịch vụ. Nhiều ý kiến lo ngại, việc đưa lương hành chính công vào giá dịch vụ sẽ bị đội lên. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đề xuất này thuộc về nguyên tắc tài chính, chính vì thế phải đưa vào, nhưng đưa vào lúc nào còn phải tính rất kỹ. Theo tôi, với các dịch vụ văn hoá, thể thao, phim ảnh nên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ luôn. Riêng với giá viện phí, học phí nên có lộ trình từng bước để đưa vào.

Hiện nay giá viện phí, học phí chưa tính đến yếu tố tiền lương, lương lao động khối này đang do ngân sách nhà nước chi trả. Nhưng trong tương lai, khi ngân sách nhà nước mạnh, hỗ trợ tiền mua bảo hiểm xã hội cho tất cả dân nghèo thì lúc đó ta mới đưa tiền lương vào giá dịch vụ, có tiền lãi sẽ bổ sung vào ngân sách nhà nước.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, cải cách tiền lương sẽ đi theo hướng trả theo hiệu quả công việc, để cho người đứng đầu các cơ quan hành chính công quyết định việc trả lương cho cán bộ công nhân viên. Bộ này cũng tán thành việc tính tiền lương vào dịch vụ công (y tế, giáo dục). Tuy nhiên, cải cách tiền lương sẽ phải song song với tinh giản biên chế, định lượng hóa công việc của các đơn vị, cải cách các dịch vụ công, thực hiện an sinh xã hội hợp lý (đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, đối tượng chính sách).

Xu hướng này trước sau cũng sẽ diễn ra, nhưng cần phải có thời gian. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, 90% bệnh viện là bệnh viện tư, nhưng người nghèo vẫn có thể chữa bệnh được bởi họ được nhà nước mua BHYT và được chi trả ở mức phù hợp.

Vấn đề hiện nay chúng ta cần phải đi cả hai chân, vừa siết chặt việc quản lý nhưng đồng thời vừa phải tiến dần tới việc chuyển dịch lương vào dịch vụ.

Theo lộ trình cải cách tiền lương 2008-2012, mức lương công chức, viên chức và lao động trong khối doanh nghiệp trung bình mỗi năm tăng 13-18%. Những năm tới mức tăng lương tối thiểu có theo lộ trình như thế không?

- Tôi nghĩ trong thời gian tới mức tăng sẽ cao hơn. Vì thời gian tới chúng ta không phải hướng tới thị trường lao động giá rẻ và lao động giản đơn nữa. Trong kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét Luật Lao động sửa đổi và Luật Công đoàn nhằm tăng sức mạnh cho tổ chức công đoàn. Qua đó tăng khả năng đàm phán về tiền lương cho người lao động để đảm bảo lao động có trình độ không bị trả lương rẻ mạt.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Danviet