Tăng nguồn lực xã hội hóa

Tăng nguồn lực xã hội hóa
Sáng 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Kết quả khiêm tốn
Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT mang tính xã hội cao, không chỉ góp phần cải thiện đời sống nông thôn mà còn là một trong 7 mục tiêu Thiên niên kỷ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Sau 14 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu, song nhiều chỉ tiêu đạt còn thấp. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2013, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,5% nhưng mới có 38,7% hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dự kiến đến hết năm 2014, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 42%.

 
Người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất thiếu nước sạch sinh hoạt nhiều năm nay. Ảnh: Quang Thiện
Người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất thiếu nước sạch sinh hoạt nhiều năm nay. Ảnh: Quang Thiện

Trong khi đó, việc triển khai chương trình cấp nước sạch nông thôn hiện nay ở hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc. Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận rõ vấn đề này. Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương bày tỏ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 40 xã, hơn 30 điểm trường chính chưa được cấp nước sạch nông thôn, trong khi tỉnh chưa có doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực này, một số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng năng lực còn hạn chế. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang đe dọa đến chất lượng nguồn nước. Còn tại tỉnh Quảng Trị, hầu hết các địa bàn chưa được cấp nước sạch là vùng khó khăn, hộ nghèo. Một số công trình cấp nước sạch đã xây dựng xong, bàn giao cho địa phương, nhưng quản lý không hiệu quả dẫn đến xuống cấp nhanh.
Với kết quả hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhìn nhận, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp, có khả năng khó đạt mục tiêu của chương trình vào năm 2015. Đáng lo ngại là, tính bền vững của công trình cấp nước ở nhiều nơi còn hạn chế, làm giảm tác dụng của chương trình, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, chất lượng công tác quy hoạch cấp nước nông thôn chưa cao, công tác điều hành ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, việc thực hiện phân cấp còn bộc lộ những bất cập dẫn đến lãng phí đầu tư.    
Sửa chính sách để thu hút đầu tư
Trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách còn nhiều khó khăn, các bộ, ngành, địa phương đều cho rằng phải có sự tham gia của khu vực tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa thì Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT mới đạt hiệu quả cao. Thực tế, thời gian qua, công tác xã hội hóa cho lĩnh vực nước sạch nông thôn còn triển khai chậm, đầu tư của tư nhân còn hạn chế. Giai đoạn 2012 - 2014, trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình, tỷ lệ đóng góp của dân chỉ đạt 7,2%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra của Chính phủ (11,2%).
Thái Bình là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch (trên 90%). Chia sẻ về thành quả đạt được, ông Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, nước sạch không chỉ là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới mà còn là nhu cầu cấp thiết của người dân nông thôn. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã quy hoạch toàn bộ hệ thống công trình nước sạch trên địa bàn. Đồng thời đề xuất tỉnh Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư như hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, đền bù GPMB, kinh phí xây dựng theo công suất... Nhờ đó đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp đăng ký cấp nước sạch cho nông dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường. Tiếp đến, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình phát triển để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho NS&VSMTNT, kể cả cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư cho vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Cùng với đó, căn cứ vào quy hoạch, từng địa phương tích cực kêu gọi đầu tư thông qua các hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, vận hành, kinh doanh nước sạch nông thôn...

 
Theo ktdt.vn