Tăng nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Tháo gỡ khó khăn đấu giá quyền sử dụng đất

(HNM) - Để triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các địa phương còn huy động đóng góp của doanh nghiệp, người dân và nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản đóng băng, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp..., nên hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong đấu giá đất, dẫn đến thiếu kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM.
Qua khảo sát tiến độ xây dựng NTM, hầu hết các xã trên địa bàn thành phố đều chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do gặp khó khăn trong huy động vốn. Huyện Quốc Oai đã xác định tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án xây dựng NTM của 20 xã trên địa bàn là hơn 8.843 tỷ đồng (trong đó nguồn hỗ trợ của thành phố hơn 579 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 209 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 2.403 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 2.740 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1.011 tỷ đồng, vốn xã hội hóa gần 505 tỷ đồng...). Tuy nhiên, đến hết năm 2012, huyện này mới huy động được gần 61,5 tỷ đồng (gồm hơn 38,8 tỷ đồng thành phố hỗ trợ, hơn 15 tỷ đồng ngân sách huyện, gần 3,2 tỷ đồng ngân sách xã, gần 3,4 tỷ đồng vốn doanh nghiệp, 874 triệu đồng do nhân dân đóng góp và 61 triệu đồng từ các nguồn vốn khác). Năm 2013, Quốc Oai xây dựng kế hoạch dự kiến thu 167 tỷ đồng từ đất (trong đó có 31 tỷ đồng từ đấu giá đất) phục vụ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, song đến nay mới thực hiện đấu giá đất được 11/24 thửa đất tại xã Cộng Hòa, thu 6,7 tỷ đồng; 13 thửa còn lại chưa thực hiện được do không có người mua hồ sơ tham gia đấu giá. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm cho biết, do hạn chế trong huy động nguồn kinh phí đầu tư, nhất là nguồn thu từ đấu giá đất nên tiến độ xây dựng NTM của một số xã trên địa bàn huyện chậm so với yêu cầu.

Không riêng Quốc Oai, nhiều địa phương khác cũng gặp khó khăn trong huy động kinh phí cho xây dựng NTM. Phó Chủ tịch xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Thìn cho biết, tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án xây dựng NTM của địa phương khoảng 534 tỷ đồng, riêng nguồn đối ứng ngân sách xã phải huy động là 160 tỷ đồng, chủ yếu trông vào nguồn thu từ đất. Để có kinh phí, xã đã quy hoạch một khu đất rộng 4ha và rà soát khoảng 3ha đất xen kẹt đem ra đấu giá. Tuy nhiên, do thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, đầu tư và thu hồi đất rườm rà phức tạp, vả lại thị trường bất động sản ở địa phương dường như không có giao dịch nên việc đấu giá đang "rối như gà mắc tóc". Ở huyện Chương Mỹ, nhiều xã cũng trong hoàn cảnh tương tự. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện mới thực hiện đấu giá được 3/15 điểm đất xen kẹt tại xã Thụy Hương và 1 điểm tại xã Đông Sơn thu gần 2,3 tỷ đồng. Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 khu đất đấu giá, ngoài ra còn xác định vị trí, lập phương án khảo sát, đo đạc hiện trạng thu hồi đất 14 điểm ở 4 xã với diện tích gần 2,7ha đưa vào đấu giá. Bà Ngô Thị Thanh Vân, Trưởng ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ cho biết, công tác đấu giá đất của địa phương rất khó thực hiện do vướng mắc về thủ tục, trình tự tổ chức đấu giá; thời gian theo quy định kéo dài; việc xây dựng và phê duyệt giá sàn tại nhiều khu vực cũng chưa phù hợp với giá thực tế; một số khu đất có nguồn thu đấu giá không đủ bù những chi phí đầu tư phục vụ việc đấu giá... Nhưng khó nhất vẫn là thiếu kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá. Chỉ tính riêng kinh phí phục vụ cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật 12 điểm đấu giá đất ở xã Thụy Hương đã khoảng 9 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh công tác đấu giá đất tạo nguồn thu xây dựng NTM, các huyện, thị xã cần hoàn thiện thủ tục pháp lý và tổ chức đấu giá các khu đất đã có hạ tầng kỹ thuật; bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã được duyệt. Với các sở, ngành của thành phố cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính; xem xét bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương; với khu đất nhỏ đưa vào đấu giá nên cho phép không cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật để giảm giá thành, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tham gia đấu giá... Ở khía cạnh khác, theo lãnh đạo một số sở, ngành, do hạn chế trong huy động nguồn vốn, các địa phương nên bám vào những chương trình mục tiêu quốc gia như giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường... hoặc căn cứ vào quyết định hỗ trợ của UBND TP để có vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn, phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM.