Tăng sức hút cho nông thôn mới

Tăng sức hút cho nông thôn mới
Trong thời gian qua, Chính phủ và UBND TP đã ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong việc triển khai xây dựng NTM.
 
Tuy nhiên thực tế triển khai tại các địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Với sự điều chỉnh trong chính sách của TP, hiện nay, các dự án thực hiện trong vùng dồn điền đổi thửa và xây dựng NTM không phải thực hiện qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của cấp huyện, thị xã. Theo đó, UBND các xã chỉ cần đăng ký mở một mã số xây dựng cơ bản gọi chung là các dự án, công trình thực hiện theo Quyết định 16 của UBND TP để thanh toán tại Kho bạc Nhà nước mà không cần phải đăng ký mở nhiều mã như trước. Tỷ lệ phần trăm bố trí vốn cho từng dự án, công trình đảm bảo tối thiểu bằng 35% phần vốn ngân sách Nhà nước đầu tư của dự án.
 
Xây dựng kênh mương thủy lợi nội đồng tại xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai. Ảnh: Quang Thiện
Xây dựng kênh mương thủy lợi nội đồng tại xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai. Ảnh: Quang Thiện
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây cho biết thêm, UBND cấp xã còn được giao thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện đối với các công trình được ngân sách hỗ trợ đến 3 tỷ đồng trong tổng giá trị của công trình. Điều này tạo thuận lợi rất nhiều cho các địa phương trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Tuy nhiên, các văn bản quy định định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện của các sở vẫn còn chậm nên việc triển khai thực hiện của xã còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế nên chưa thu hút được DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm, thủ tục thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất còn phức tạp, chưa thông thoáng dẫn tới khó thực hiện, nhất là đất xen kẹt trong khu dân cư. Điều này khiến việc huy động nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, ông Lâm đề nghị UBND TP tiếp tục đơn giản hóa TTHC trong đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt để cấp huyện chủ động chỉ đạo các xã tạo nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng cơ sở theo đề án đã được phê duyệt. Đồng thời, UBND TP cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn cấp huyện thực hiện quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài ra, cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của TP trong việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp – làng nghề và nước sạch nông thôn.
Những vướng mắc của thị xã Sơn Tây và huyện Quốc Oai cũng là băn khoăn của nhiều địa phương. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, qua tổng hợp của các huyện, thị xã và kiểm tra thực tế, vấn đề thủ tục đấu giá đất xen kẹt đã được quan tâm tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện nay để có được một ô đất đưa vào đấu giá tại cơ sở vẫn đang gặp nhiều bất cập, nhất là khu vực liên quan đến chỉ giới phân lũ. Một số huyện đề nghị UBND TP xem xét, phân cấp cho huyện phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt trong khu dân cư. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 đề nghị UBND TP rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành. Trên cơ sở đó trình HĐND TP sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế mới sát thực tế, thuận tiện và đơn giản hơn trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn.
Thiện Quang
Theo ktdt.vn