Tăng thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Bên lề Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí về những kết quả của Chương trình xây dựng NTM trong 3 năm qua. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu tới bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí đánh giá những kết quả cơ bản về xây dựng NTM trong thời gian qua?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Mặc dù quá trình triển khai có rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân, chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào thiết thực có sức lan tỏa rộng chưa từng thấy, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy, vì thế phong trào có sức lan tỏa nhanh từ đồng bằng tới miền núi…
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt được quan tâm đầu tư, rõ nhất là làm chuyển biến bộ mặt nông thôn; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh nông thôn chuyển biến mạnh; đời sống văn hóa có khởi sắc.
Về sản xuất, các địa phương đã quan tâm đến chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất, liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo chất lượng hàng hóa, giá trị gia tăng cao.
Đây là chương trình sâu rộng trong phát triển nông thôn, nhưng cơ chế chính sách mới hoàn toàn, đòi hỏi phải có thời gian mới đi vào thực tiễn. Về chủ quan, đến nay một số nơi nhận thức chưa sâu sắc, chưa hiểu rõ chương trình NTM là phát huy sức mạnh và vai trò chủ thể của người dân nên một số nơi còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.
PV: Trong thời gian tới, chính sách cho chương trình có thay đổi gì không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Đến nay, bộ chính sách cho chương trình cơ bản đã đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, một số địa phương đã ban hành thêm chính sách, cơ chế đặc thù để tạo sự đột phá cho địa phương đó. Quan điểm của chúng tôi là chương trình này mới nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vừa qua, Ban chỉ đạo và các bộ ngành đã xuống các xã kiểm tra, trên cơ sở đề nghị của các địa phương chúng tôi cũng đã đề nghị đẩy nhanh tiến độ, hoàn chỉnh bổ sung các văn bản; cái nào phù hợp thì giữ lại, không phù hợp thì tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với địa phương.
PV: Mục tiêu trọng điểm của xây dựng NTM trong thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: 19 tiêu chí là mục tiêu định hướng của chương trình cũng là căn cứ để các địa phương xây dựng đề án, mục tiêu, nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo thời gian tới các địa phương phải tập trung mạnh vào phát triển sản xuất, đây là vấn đề trọng tâm, trong đó ưu tiên chuyển đổi sản xuất để tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân; tập trung nâng cao trình độ dân trí; ba là tiếp tục phát huy dân chủ cơ sở, nhất là vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng NTM.
PV: Huy động tiền đầu tư cho NTM  không dễ, nhất là ở các xã miền núi. Vậy chúng ta sẽ hỗ trợ như thế nào để các xã thực hiện xây dựng NTM?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Ban chỉ đạo Trung ương đã thấy được vấn đề này và đã chỉ đạo các bộ ngành xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, nhất là các xã vùng biển đảo, miền núi…nhưng cái chính là phải có giải pháp khắc phục khó khăn về lâu dài ở nơi đó, nhất là khắc phục và phát triển sản xuất, chỉ có phát triển sản xuất mới khắc phục khó khăn hiệu quả nhất.
Quan điểm của chương trình là khơi dậy nguồn lực xã hội, nhất là sức mạnh của nhân dân các địa phương, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, định hướng để tạo điều kiện để người dân nơi đó phát huy vai trò chủ thể. Theo báo cáo của các địa phương, nguồn lực nhà nước hỗ trợ đến nay chỉ chiếm 33,9%, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là khoảng 61,9%. Thời gian tới, để phát huy tốt nguồn lực này phải tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của xã hội đối với NTM; phát huy nguồn lực xã hội, chính sách, tín dụng, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nguồn lực trong dân. Nếu phát huy được tất cả các nguồn lực này thì xây dựng NTM sẽ rất hiệu quả.
PV: Đến nay, các địa phương đã phân bổ và triển khai nguồn vốn trái phiếu Chính phủ như thế nào? Kết quả thực hiện ở các địa phương ra sao?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Các địa phương đã phân bổ trực tiếp nguồn vốn qua nhiều kênh, đến nay đã có nhiều tỉnh xin ứng trước vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2015 - 2016. Điều này cho thấy các địa phương rất quyết tâm, cố gắng để hoàn thành sớm nhiệm vụ như ở Đắc Lắc, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai tốt nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)
Nguồn  qdnd