Tăng tính bản địa, nông sản sẽ tăng giá trị

Tính bản địa là một trong những đòi hỏi quan trọng nhất đối với người tiêu dùng tương lai. Với những mặt hàng nông sản tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ – thủ phủ của nông sản Việt, để có hướng phát triển mới, việc tăng tính bản địa, phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ đang là yêu cầu cấp thiết.

Theo ước tính, trên lĩnh vực xuất khẩu nông sản của cả nước có 90% gạo, 63% rau quả trái cây và 60% thủy sản xuất phát từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – tức khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

Tuy nhiên, dù nông sản miền Tây đến giờ vẫn là chủ lực nhưng ĐBSCL vẫn là khu vực nghèo hơn cả nước: thu nhập bình quân đầu người khoảng 40,2 triệu đồng/người/năm so với bình quân cả nước 47,9 triệu đồng/người/năm. 

“Lên đời” sản vật

Như vậy, phải chăng việc khai thác, tận dụng tài nguyên bản địa ở vùng đất màu mỡ này cho nông sản miền Tây chưa đúng hướng và tại sao miền Tây có rất nhiều sản vật mà nông sản vẫn chưa “lên đời”. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, đặt vấn đề: Thành công từ tài nguyên bản địa là gì khi con đường đâu chỉ trải hoa hồng? 

“Mình đi cổ vũ chuyện “xài tối đa tài nguyên bản địa”, đâu biết cũng phức tạp ghê gớm vậy. Tài nguyên có, tốt rồi, nhưng tuân thủ tiêu chuẩn an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác thế nào đây. Còn vấn đề thứ hai quan trọng không kém là phải đáp ứng trúng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng mục tiêu”, bà Hạnh chia sẻ.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ ông đã từng viết thư lên Thủ tướng Chính phủ để nói về chuyện: Bây giờ cho ba tỉnh miền Tây cùng chung một hệ sinh thái đất ngập nước, cánh đồng mẫu… liên kết nhỏ trước. Thủ tướng đã đồng ý cho Đồng Tháp làm, sau đó mới nhân ra tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, các tỉnh Duyên hải…

Ông Hoan cũng dẫn lại lời của ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo – Thorakao, đó là làm bản địa, mình phải phát huy được những sản vật của Đồng Tháp Mười. Một hệ sinh thái nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu, phân tích thì không chừng gạo của Đồng Tháp Mười sẽ đắt hơn gạo của tứ giác Long Xuyên, vì hệ sinh thái khác nhau.

Theo ông Hoan, chính hệ sinh thái sẽ là tiềm năng bản địa, có thể cũng là lúa, cá tra… nhưng cá vùng này khác vùng kia. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm tương đồng về chủng loại nhưng vẫn khác vì chúng ta xây dựng được những sản phẩm đó.

Việc tăng tính bản địa, phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ cho nông sản Việt cũng chính là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn kinh tế lớn nhất ĐBSCL – Mekong Conect 2017 diễn ra ở Bến Tre ngày 26/10.

Làm bản địa, các tỉnh miền Tây phải phát huy được những sản vật của mình

Cạnh tranh từ “bản địa”

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã cho ra mắt “Nhóm chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL”, đồng thời công bố nghiên cứu chuyên sâu bốn đề tài phát triển tài nguyên bản địa của ĐBSCL, bao gồm: Gạo – Dừa – Cá – Sen và Du lịch. Nhóm là tập hợp của nhiều chuyên gia nghiên cứu,

DN quan tâm và dành nhiều tâm huyết trước những vấn đề sống còn của ĐBSCL.
Đồng thời, tại diễn đàn này còn tổ chức kết nối giao thương (Business Matching) giữa các DN và các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Đây là hình thức không mới ở các hoạt động xúc tiến thương mại trên thế giới, nhưng lại không được tổ chức nhiều ở Việt Nam. 

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, cho rằng: “ý tưởng về dừa, gạo, sen, cá rất hay và nó đặc trưng cho mỗi địa phương. Nhưng không phải là chỉ nguyên những cái đó, còn nhiều đặc trưng mà mình có thể khai thác nữa”.

Nói như chuyên gia quốc tế về bán lẻ và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, xưa tạo ra đôi giày mọi người mang giống nhau, giờ ngược lại, phải cá nhân hóa, phải sử dụng thứ gì khác biệt. Lúc này tính bản địa lại trở thành thế mạnh cạnh tranh lớn. 

Ví dụ, một người sành điệu không ăn cơm chung mà ăn cơm bằng gạo Đồng Tháp… Đây là cánh cửa vàng cho đặc sản địa phương Việt Nam. Nếu bạn không mang ra thế giới, có nguy cơ người khác sẽ sử dụng tính bản địa của bạn để kinh doanh.

Còn theo Ts. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group và Rynan Agrifood, ĐBSCL là vùng đất rất màu mỡ, có đủ mọi điều kiện để phát triển nông nghiệp. Điều đang cần cho vùng đất này chính là công nghệ hiện đại và thích hợp hơn để phù hợp với điều kiện canh tác nhỏ lẻ. Mục đích là làm sao để tăng thu nhập cho người nông dân, rồi tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm nông nghiệp phát thải khí nhà kính.

Ủng hộ nhiệt thành cho việc đầu tư công nghệ để phát triển tài nguyên bản địa, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc công ty Gốm sứ Minh Long 1, cho biết đất cũng chỉ là đất, nhưng muốn đất trở thành “vàng”, có thể có giá trị cao hơn, đòi hỏi phải có những kiến thức hiểu biết về ứng dụng công nghệ, làm sao để đất thành những sản phẩm có giá trị. 

Ngoài tầm quan trọng của tính bản địa, Ts. Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT tại Australia) cho rằng nông sản Việt nói chung và các tỉnh miền Tây nói riêng cần phải xây dựng thương hiệu, đặc biệt chú trọng đến tính an toàn thực phẩm để đáp ứng tốt yêu cầu của giới tiêu thụ về: Sạch, an toàn; Chất lượng cao; Giá phải chăng; Minh bạch, đúng hẹn. Có như vậy mới đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông thôn và làm giàu cho nông dân Việt Nam, nhất là cho nông dân ĐBSCL.
 

Thế Vinh/http://thoibaokinhdoanh.vn/