'Tăng viện phí, chất lượng khám chữa chắc chắn sẽ nâng'
- Thứ sáu - 16/03/2012 06:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sắp tới giá viện phí sẽ được điều chỉnh giúp tăng thêm nguồn tài chính cho hoạt động của các bệnh viện. Bên cạnh đó, từ giữa tháng 2 vừa rồi mức hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ y tế cũng được nâng lên. Với những sự thay đổi đó nhiều người đặt câu hỏi liệu chất lượng khám chữa bệnh có tăng không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định "về nguyên tắc thì chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh có nâng nhưng có lộ trình và điều kiện kèm theo".
Tại tuyến tỉnh, mỗi khi có dịch bệnh thì bệnh viện lại quá tải. Ảnh: Trí Tín. |
Tuy nhiên làm thế nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, theo Bộ trưởng, vấn đề nhức nhối nhất vẫn là tình trạng quá tải bệnh viện. Trong đó có cả quá tải thật và quá tải ảo, có trường hợp mổ ruột thừa, đẻ thường tuyến dưới làm được nhưng người dân vẫn đổ xô lên tuyến trên. Vì thế, trong thời gian tới sẽ phân tuyến chuyên môn rõ ràng và có biện pháp xử lý cụ thể nếu bệnh viện nào vi phạm.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang xây dựng cả một đề án giảm tải bệnh viện, trong đó chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2014 tập trung hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh như: K, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Phụ sản Từ Dũ...
Giai đoan 2 sẽ mở rộng ra các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh quá tải khác. Đến năm 2015, Bộ cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân lên mức 25-27 giường (hiện nay là 20,25 giường bệnh trên một vạn dân).
“Không có nơi nào 2-3 người nằm một giường như chúng ta. Cũng không có bệnh viện nào mà người bệnh đi từ 4,5 giờ sáng đến 11 giờ vẫn chưa đến lượt khám. Chỗ ngồi thì nóng bực, chật chội, không có lối đi. Đi thăm các bệnh viện, tôi thấy buồn nhất là ở phòng khám ngoại trú, nói thật là nhếch nhác", Bộ trưởng Tiến thừa nhận.
Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện thì người dân không nên kỳ vọng quá cao, không có chuyện thay đổi đột biến trong lần điều chỉnh viện phí lần này.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Thức, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, về mặt lý thuyết thì điều chỉnh tăng giá hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật y tế thì các cơ sở y tế sẽ tăng thu. Tuy nhiên, thực chất thì khi khung giá viện phí mới này được áp dụng, sự lo lắng của các bệnh viện còn nhiều hơn.
"Giá viện phí tăng nhưng vẫn chưa tính đúng, tính đủ khiến bệnh viện khó khăn trong việc tìm nguồn để tăng phụ cấp cho y bác sĩ. Ngoài ra, trong số các dịch vụ tăng giá, phần nhiều là những dịch vụ không phổ biến, không được áp dụng nhiều nên sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến bệnh nhân nói chung. Trong khi đó, 5 loại dịch vụ giảm giá thì phần lớn lại là những dịch vụ sử dụng rất phổ biến, tần suất cao như chụp Xquang, chụp CT cắt lớp…", ông Thức cho biết.
Đây cũng là quan điểm của nhiều lãnh đạo y tế tại buổi đối thoại trực tuyến về điều chỉnh giá viện phí sáng nay (16/3) giữa đại diện y tế với người dân.
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết: "Tôi khẳng định chất lượng sẽ được cải thiện nhưng mức độ cải thiện thì còn tùy thuộc từng nơi. Ví dụ, với bệnh viện chúng tôi hiện nay, máy móc có, nhà cửa có, nhưng tiền để duy tu bảo dưỡng nhà cửa máy móc thì còn thiếu".
Vì thế, theo ông, việc điều chỉnh chi phí giường bệnh, khám bệnh sẽ giúp bệnh viện bổ sung ngay phòng ốc, lực lượng bảo vệ, vệ sinh…, như thế ít nhất một phần nào đó đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh. Còn dùng nguồn đó có mua được máy móc hay không, đây là câu hỏi cần có sự tính toán, có nơi có thể được rất nhiều, có nơi được rất ít.
Ông Hồ Đức Hải, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cũng cho biết, biểu giá điều chỉnh viện phí hiện nay mới đáp ứng một phần nhỏ. Như vậy, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh không phải chỉ một vấn đề bổ sung giá viện phí mà phải bao gồm tất cả các yếu tố, như đầu tư trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực.
"Điều chỉnh viện phí là góp thêm một phần cơ bản để có một phần kinh phí giúp cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn chứ không phải quyết định toàn bộ việc nâng cao chất lượng chuyên môn", ông Hải cho biết thêm.
Theo Vnexpress