Tăng viện phí, tiền khám chữa bệnh tăng 26%
- Thứ ba - 14/02/2012 00:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gánh nặng
Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam – BHXH VN) cho biết, theo tính toán (đã được thẩm định sơ bộ) của cơ quan BHXH thì khi tăng viện phí, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng thêm khoảng 26%.
Như vậy, việc tăng thêm này gây tác động mạnh lên nhóm đối tượng chưa có thẻ BHYT. Chưa hết, nó còn gây tác động lên nhóm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mắc các bệnh mãn tính (như tim mạch, thận nhân tạo, ung thư, …) bởi họ phải đồng chi trả 5% (5% của giá viện phí cũ sẽ khác với 5% của giá viện phí mới, chưa kể các chi phí gián tiếp).
Vì thế, giải pháp Bộ Y tế đưa ra là trình Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh quyết định 139 để tạo ra nguồn hỗ trợ bệnh nhân nghèo, trong đó tập trung vào nhóm bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
Điều chỉnh viện phí sẽ khiến chi phí khám chữa bệnh tăng thêm khoảng 26% (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên) |
Ông Phạm Lương Sơn thông tin: Việc điều chỉnh viện phí phải thực hiện đồng thời với việc điều chỉnh mức tham gia BHYT để có nguồn trả và sửa đổi quyết định 139 nhằm tạo nguồn tài chính hỗ trợ các bệnh nhân nghèo. Có như vậy chính sách về viện phí mới này mới có thể nhận được sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Đối với bệnh nhân chưa tham gia BHYT, tăng viện phí là gánh nặng bởi họ phải tự chi trả toàn bộ viện phí. Vì vậy, vấn đề tăng viện phí đang gây ra lo lắng là sẽ gây thêm áp lực cho lộ trình thực hiện BHYT toàn dân bởi BHXH VN đang đề xuất nâng mức phí tham gia BHYT từ 4,5%/tháng lương tối thiểu lên 5%/tháng lương tối thiểu.
Điều này có thể sẽ khiến cho những đối tượng chưa tham gia BHYT càng không “mặn mà” với BHYT (nhất là trong bối cảnh người dân đang sống cùng áp lực do lạm phát kinh tế gây ra).
Lý giải lo ngại này, ông Sơn cho biết: Tính đến hết năm 2011, cả nước đã có 57 triệu người tham gia BHYT. Các đối tượng như nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đều đã đưa vào diện bắt buộc, vì thế nhóm tự nguyện tham gia BHYT giảm nhiều, không còn gây nhiều áp lực đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT.
Vì vậy, việc tăng viện phí gần như chỉ ảnh hưởng đến 2 nhóm: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho người có công, đối tượng chính sách xã hội. Nhóm thứ 2 là doanh nghiệp. Khi tăng mức đóng BHYT cho người lao động, doanh nghiệp sẽ tính vài chi phí cấu thành sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng.
Tăng cường giám sát, tránh lãng phí
Một trong những vấn đề được đặt ra khi tăng viện phí là cần quản lý, giám sát quỹ BHYT sao cho hạn chế thấp nhất những thất thoát, lãng phí, tránh việc để quỹ bị “rút ruột” dưới mọi hình thức.
Hiện nay, để kiểm soát việc sử dụng dịch vụ y tế, tránh tình trạng lạm dụng quá mức, Bộ Y tế đang thử nghiệm các phương thức thanh toán BHYT mới, trong đó phương thức thanh toán trọn gói được đánh giá là hiệu quả hơn cả.
Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng tăng cường giám định hồ sơ theo tỉ lệ xác suất để kiểm soát việc lạm dụng thuốc, dịch vụ y tế.
Hiện nay, những bất cập trong vấn đề kê đơn, sử dụng thuốc được cho là một trong những nguyên nhân khiến quỹ BHYT bị lãng phí (chi phí sử dụng thuốc chiếm khoảng 60% tổng chi phí khám chữa bệnh, điều trị).
Ông Sơn nhận định: Có những thuốc hỗ trợ rất đắt, cả triệu đồng/ngày điều trị và có thể kê rộng rãi cho 7-10 nhóm bệnh là nguyên nhân dẫn đến kê đơn quá mức cần thiết. “Năm qua, chúng tôi đã cương quyết chỉ thanh toán thuốc đó với giá trúng thầu thấp nhất. Thậm chí, có trường hợp không chấp nhận thanh toán”, ông Sơn cho hay.
Vì thế, trong năm 2012, BHXH VN sẽ triển khai phương thức giám định hồ sơ theo tỉ lệ xác suất tại 15 tỉnh, TP sau khi thí điểm thực hiện tại TPHCM. Theo đó, giám định viên sẽ chọn ngẫu nhiên 10% - 20% số hồ sơ các khoa của BV để giám định.
“Nếu chỉ một hồ sơ bệnh án có dấu hiệu lạm dụng hoặc BV thu thêm tiền của người bệnh sẽ bị xử phạt, thậm chí cơ quan bảo hiểm sẽ không trả khoản viện phí đó cho phía cơ sở y tế. Điều này vừa giúp quỹ không bị thất thoát, lãng phí, vừa khiến lãnh đạo các cơ sở y tế phải có trách nhiệm mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát dịch vụ y tế”, ông Sơn khẳng định.
Theo Vnn