Tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp hữu cơ Thủ đô
- Thứ bảy - 19/10/2019 19:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội. Ảnh: Thành Nam |
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, phong trào nông nghiệp hữu cơ đã hình thành và phát triển trên địa bàn Hà Nội, bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Chẳng hạn như trang trại chăn nuôi Bảo Châu (50 tấn thịt lợn/năm), trang trại Hoa Viên (150 tấn rau củ quả/năm), hợp tác xã lúa gạo xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (170 tấn gạo/năm)…
Hiện thành phố Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn, đặc biệt người tiêu dùng quan tâm nhất tới an toàn thực phẩm, từ đó trở thành thị trường rất lớn đối với nông nghiệp hữu cơ. Chính vì vậy, Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất, trong đó có nhiều huyện điển hình như Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ...
Sở NN&PTNT đã tích cực triển khai các mô hình rau, lúa hữu cơ và ban hành 10 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính, trên nguyên tắc không sử dụng chất hóa học tổng hợp, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gene…Mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng đất và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong canh tác.
Mặc dù các mô hình nông nghiệp hữu cơ có nhiều lợi thế nhưng việc phát triển vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chia sẻ những khó khăn trong quá trình sản xuất sản phẩm hữu cơ, bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại chăn nuôi và trồng rau theo hướng hữu cơ Hoa Viên (huyện Thạch Thất) cho biết, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên người sản xuất vẫn phải tự mày mò. Khâu tiêu thụ càng phức tạp hơn vì trên thị trường đã có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
Bên cạnh đó, chi phí cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao gấp 5-6 lần so với các phương pháp thông thường, sản lượng không cao, nhưng giá cả thì chưa tương xứng do phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng khác trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Mai ở huyện Chương Mỹ cho biết, so với phương thức trồng lúa truyền thống thì trồng lúa hữu cơ mất nhiều công sức chăm sóc, chi phí đầu tư cũng cao hơn trong khi năng suất không cao.
Ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất hữu cơ...
Để tạo sức bật cho nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Đại Thắng, Giám đốc Công ty CP Trang trại Bảo Châu đề nghị các cơ quan quản lý cần xem xét và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu nguồn vật tư đầu vào đang bị thiếu hụt trong nước; tạo điều kiện cho phát triển phương thức canh tác hữu cơ. Cùng với đó, các địa phương cần quy hoạch, bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng có tiềm năng phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND về nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020. Theo đó, Hà Nội xây dựng 5-10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có sự kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn. 100% số hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố được tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, nhận thức hiểu biết về tiêu chuẩn, tiêu chí nông nghiệp hữu cơ...
Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cần nhiều thời gian, kinh phí. Vì vậy, cùng với việc ban hành chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân về sản xuất hữu cơ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần chủ động cập nhất các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tìm hiểu thông tin về thị trường để đa dạng hóa sản phẩm và sản xuất ra những mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn