Tạo đà để đi lên
- Thứ hai - 07/10/2019 02:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp Quảng Bình liên tục được mùa. |
Những thành tích đó đã tạo đà cho giai đoạn tiếp theo, để “quê hương hai giỏi” sớm trở thành tỉnh NTM trong tương lai gần.
Đổi mới mặt trận nông nghiệp
Quảng Bình xác định việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân là một tiêu chí hết sức quan trọng, là hạt nhân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, làm tốt được nội dung này là thể hiện sự thay đổi về chất, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.
Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung ưu tiên, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Có chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình, dự án trọng điểm; khuyến khích phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành các trang trại, tổ hợp tác. Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản…
Trong 10 năm qua, nông nghiệp Quảng Bình đã phát triển mạnh mẽ, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Nông nghiệp chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao. Các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, phù hợp với biến đổi khí hậu, nhất là chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang các cây trồng, đối tượng khác.
Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 2.200 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, hiện cho thu nhập 38-160 triệu đồng/ha, lãi 10-55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 2-8 lần so với trồng lúa. Định hướng tới đây, là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, tăng cường giống ngắn ngày, chất lượng cao.
Chuyển đổi cơ cấy cây trồng có hiệu quả. |
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Quảng Bình tiếp tục đồn điền đổi thửa, để tạo điều kiện sản xuất lớn. Trên cơ sở đó, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Với sự liên kết này, có gần 6.700 ha cánh đồng lớn, với khoảng 90% sản lượng được thu mua. Qua đó, lợi nhuận của nông dân tăng từ 16-21%.
Cũng trên đồng ruộng, việc đưa nhanh cơ giới hoá vào gần 100% các khâu sản xuất, dịch vụ đã thúc đẩy sự phát triển canh tác và thay đổi tư duy, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật của bà con nông dân. Nhìn chung ngành trồng trọt của Quảng Bình phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và chất lượng. Từ đó, đưa đến thu nhập bình quân trên một diện tích đất trồng trọt đạt 48 triệu đồng/ha/năm.
Trong sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới có hiệu quả đã được áp dụng và nhân rộng. Từ mô hình ban đầu, qua 10 năm, đã có những làn sóng kỹ thuật mới như thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, hệ thống tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu, cây ăn quả…
“Tất cả đều với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Từng bước chuyển sản xuất cá thể nhỏ lẻ sang sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết, tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị”, ông Khoa nhấn mạnh.
Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất được nhiều địa phương chú trọng. Toàn tỉnh có 545 trang trại, 194 HTX nông lâm nghiệp và thủy sản; 863 Tổ hợp tác được thành lập theo Nghị định 151 của Chính phủ và 86 Tổ đoàn kết khai thác trên biển. Kinh tế trang trại phát triển theo hướng chất lượng và giá trị.
Mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực ngày càng được quan tâm hỗ trợ và nhân rộng. Các HTX kiểu mới đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc làm bà đỡ cho nhiệm vụ xây dựng NTM tại các địa phương.
Thời gian qua, nông nghiệp Quảng Bình giữ được mức tăng trưởng, phát triển tương đối toàn diện. Bình quân tăng trưởng đạt 4,5%/năm, đã góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh và tạo ổn định cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. |
Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Nhiều mô hình được xây dựng và nhân rộng có hiệu quả. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Nâng cao thu nhập người dân
Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp mọi vùng quê Quảng Bình. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Trong gần 10 năm, thu nhập bình quân của người dân tăng gấp 3 lần. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 30,4 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010, cao hơn 2,5 triệu đồng so với các tỉnh Bắc Trung bộ.
Thu nhập tăng lên, tỷ lệ nghịch với số hộ nghèo. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo tại Quảng Bình giảm đáng kể. Qua 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có gần 2.200 hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,14% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,25% .
Từ quá trình xây dựng NTM, dân chủ cơ sở được nâng cao từ đó phát huy nhiều thế mạnh của địa phương. Các huyện, xã, thôn có những cách làm hay, sáng tạo, góp phần huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM. Trong 10 năm qua, tổng nguồn vốn cho xây dựng NTM trong tỉnh đạt trên 69.116 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp 225 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân và cộng đồng trên 870 tỷ đồng.
Sức sống mới từ phong trào xây dựng NTM đã khích lệ các địa phương ý chí vươn lên. Các xã đạt chuẩn vừa giữ vững và quyết tâm phấn đấu vào tốp NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hiện có 4 xã gồm Phong Thủy, Tân Thủy (huyện Lệ Thủy), Quang Phú (TP Đồng Hới), Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) phấn đấu đạt xã NTM nâng cao và 3 xã khác phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, các xã đang tích cực triển khai, phấn đấu về đích theo đúng tiến độ đề ra.
Làng quê nông thôn đổi mới. |
Với những kết quả đạt được trong chặng đường 10 xây dựng NTM, Quảng Bình đang tạo được đà để đi lên. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 81 xã (chiếm 59% số xã của tỉnh) đạt chuẩn. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã. Quảng Bình có 10 -14 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu, có từ 57 -79 vườn mẫu và 10 - 14 khu dân cư kiểu mẫu.
Đến nay, Quảng Bình có 82 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 45,6%, tăng 32 xã so với năm 2015). Dự kiến cuối năm 2019, có thêm 12 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 74 xã (đạt 54,4%). Số tiêu chí bình quân/xã là 15,5 tiêu chí, tăng 3,3 tiêu chí/xã so với năm 2015. Có 8 tiêu chí vượt mục tiêu đề ra là thủy lợi, điện, thu nhập, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh.
Ông Đặng Văn Thành, nông dân xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, bộc bạch: “Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi từng thửa ruộng, con đường, góc xóm, bản làng. Người nông dân đã nhận ra mình phải làm gì để tăng thu, giảm chi trên cánh đồng. Qua đó, tạo ra giá trị cao từ nông nghiệp, giúp bà con có thu nhập tốt, ổn định. Đời sống kinh tế đi lên, người dân chúng tôi hồ hởi, tự nguyện đóng góp công, của vào làm đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, công viên, nhà văn hóa, từ đó làm thay đổi đáng kể bộ mặt làng quê”... |