Tạo động lực sát thực để nông dân làm giàu

Tạo động lực sát thực để nông dân làm giàu
Ngày 29.7 đoàn công tác do Chủ tịchT.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường làm trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo T.Ư sơ kết 5 năm (2008-2013) thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X), ngày 29.7 đoàn công tác do Chủ tịchT.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường làm trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhiều chính sách cho “tam nông”
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy cho biết, tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 7 bằng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN, ND, NT). Về kết quả cụ thể, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Nhường, giai đoạn 2008-2013 tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân đạt 3,5%/năm, giá trị sản xuất trong nông nghiệp năm 2013 ước đạt hơn 2.757 tỷ đồng. Thu nhập của người dân tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 7,2% năm 2008 xuống còn hơn 4,2% năm 2012…
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường (giữa) trao đổi với các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể của tỉnh Bắc Ninh.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường (giữa) trao đổi với các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể của tỉnh Bắc Ninh.
Theo ông Vũ Đức Hiếu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, 5 năm qua, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp như tăng diện tích giống lúa lai, lúa chất lượng cao; chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ cây, con giống mới…
Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 đã tạo thêm động lực hoạt động, nâng cao vai trò vị trí của Hội ND, hỗ trợ tốt hơn cho hội viên, ND... Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho hay, các cấp hội tích cực tham gia thực hiện xây dựng NTM, trong đó có việc thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 14 tỷ đồng Quỹ HTND; thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND...
Cần chính sách sát thực tế
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 ở Bắc Ninh cũng đã bộc lộ những bất cập cản trở bước phát triển nhanh, bền vững của NN, ND, NT. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ, trong xây dựng NTM còn thiếu và chậm được bố trí nguốn vốn của T.Ư; nhiều tiêu chí từ đầu chưa rõ, chưa sát thực tế, sau khi được điều chỉnh, bổ sung vẫn còn phải xem xét lại. 
Ông Vũ Đức Hiếu nêu cụ thể: “Theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách T.Ư đầu tư 100% vào cơ sở hạ tầng khiến địa phương xây dựng kế hoạch theo hướng “lạc quan”. Nhưng năm 2012, T.Ư điều chỉnh theo hướng để địa phương căn cứ thực lực đầu tư nên tốc độ xây dựng NTM chậm”. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy khẳng định, những năm tới, tỉnh sẽ tập trung vào một số chính sách đột phá đầu tư cho khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; bảo quản và chế biến nông sản; phát triển công nghiệp -dịch vụ nông nghiệp, nông thôn…
Ông Trần Đăng Sâm - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ qua thực hiện đã lộ rõ những bất cập. Kinh phí hỗ trợ 45 triệu đồng/lớp bao gồm 30 học viên đã quá lạc hậu, chưa thể khuyến khích, tạo động lực ban đầu để lao động tham gia học nghề... 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, việc phát triển “tam nông” ở Bắc Ninh vẫn chưa có nhiều yếu tố bền vững. Chủ tịch lưu ý, trong xây dựng NTM cần có giải pháp thiết thực nâng cao thu nhập của ND. 
“Nông dân có giàu thì xây dựng NTM mới thành công. Để nâng cao thu nhập, ND cần phải được hướng dẫn và hỗ trợ. Hỗ trợ phải bằng cơ chế, chính sách sát thực tạo động lực cho ND. Hướng dẫn để ND từ chưa biết đến biết và giỏi trong cách làm ăn, sản xuất…”.
Theo danviet.vn