Tạo lực hút vào nông nghiệp và nông thôn mới
- Thứ bảy - 29/08/2015 10:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngôi trường mới khang trang nằm trong Chương trình nông thôn mới
tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP HCM.
Ảnh: Lam Hồng
Từ thực tế đó, nhiều người cho rằng, cần phải có chính sách để các doanh nghiệp (DN) tham gia tích cực vào NN, xây dựng NTM, bởi ngoài tiềm lực về kinh tế, đầu tư vốn cho những mô hình sản xuất hiệu quả, DN còn làm tốt khâu quản lý trong phân phối, tiếp thị nâng cao giá trị nông sản.Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đầu tư từ năm 2011 đến hết năm 2014 khoảng 40 ngàn tỷ đồng. Trong tổng số DN trên có gần 2.000 đơn vị tham gia vào 3 ngành kinh tế thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ trọng trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản lại có xu hướng giảm từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007 – 2013. Điều đó cho thấy sự phát triển của DN nông - lâm - thủy kém hơn sự phát triển của DN trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách để thu hút DN đầu tư vào NN, nông thôn; và gần đây nhất, Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP về “Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Nhiều DN bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, đã hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình xây dựng NTM cả về vật chất cũng như đầu tư trực tiếp về nông thôn.
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Tỷ trọng DN đầu tư nông nghiệp năm 2014 chỉ chiếm 1,01% trong tổng số DN trên cả nước, chủ yếu là quy mô nhỏ.
TS Phạm Quốc Doanh - Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương đánh giá, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ trước đến nay vẫn là lĩnh vực chưa hấp dẫn đối với DN, thậm chí có xu hướng giảm, kể cả sau khi có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Là địa phương đi đầu cả nước trong phong trào NTM, ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM cho hay, DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp ở TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, quy mô chưa nhiều, tính liên kết giữa DN và người nông dân cũng chưa bền vững.
TS Phạm Quốc Doanh cho rằng, để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trước hết phải bảo đảm sự an toàn, an tâm cho DN; đầu tư vào nông nghiệp ít nhất phải có lợi nhuận bằng với đầu tư vào các ngành kinh tế khác và đầu tư ở các khu công nghiệp, đô thị. Tiếp cận đất đai, mặt nước, DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ phải trả một lần tiền thuê mặt bằng bình đẳng như DN thuê đất trong khu công nghiệp, đồng thời DN được áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế, phí. Áp dụng mức thống nhất đối với xuất và nhập khẩu nguyên nhiên liệu cho đầu vào quá trình canh tác, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu nông sản; không đánh thuế giá trị gia tăng của sản phẩm đầu ra công đoạn này nhưng lại là đầu vào của công đoạn sau…
Dưới góc độ từ DN, nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập công ty cổ phần liên kết nông nghiệp để kết hợp điểm mạnh của hợp tác xã và công ty nông nghiệp tư nhân. Trong đó, DN sẽ giữ vai trò quản lý, điều hành còn nông dân đóng góp cổ phần bằng tiền hoặc đất đai. Khi đi vào hoạt động, mô hình này sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết hiện nay của nông dân, đồng thời tạo sự tin tưởng để huy động được nhiều nguồn lực từ các DN có năng lực tài chính lớn.
Theo ông Đặng Văn Cường - Trưởng phòng Điều phối NTM, Văn phòng điều phối NTM Trung ương, mỗi năm ngân sách Nhà nước “rót” hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng NTM nhưng vẫn không thấm vào đâu.
Do đó, nếu không nhanh chóng xây dựng những mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo nên những sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh, thì không thể nào cải thiện chất lượng đời sống nông dân, đổi mới diện mạo nông thôn, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững khi tham gia TPP và AEC…
Muốn làm được điều đó, không thể không có vai trò của cộng đồng DN. Thiếu đầu tư của DN, người nông dân không chỉ đối mặt với khó khăn về thiên tai dịch bệnh mà còn luôn bị thua thiệt về năng suất, chất lượng và tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong tiêu thụ sản phẩm