Tạo sức bật cho nông, thủy sản chủ lực vươn ra thế giới (Kỳ III)
- Thứ ba - 26/05/2015 21:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bất cập trong quy hoạch sản xuất
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2014, tổng diện tích gieo trồng lúa cả nước ước đạt hơn 7,8 triệu ha, giảm 96,8 ngàn ha so với năm 2013, năng suất đạt khoảng 57,7 tạ/ha.
Diện tích gieo trồng lúa lên đến 7,8 triệu ha là quá lớn và vượt cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) từng đề xuất, Việt Nam chỉ nên giữ diện tích lúa từ 3- 3,3 triệu ha vào năm 2030. WB phân tích ba kịch bản, đến năm 2030, diễn tiến “mọi việc như bình thường” thì năng suất lúa 7 tấn/ha; còn “năng suất trung bình” 6,3 tấn/ha; “tình huống xấu nhất” năng suất chỉ còn 5,8 tấn/ha. Ứng với ba kịch bản năng suất này là các dự đoán về biến đổi khí hậu và thay đổi thị hiếu tiêu dùng. Với các điều kiện bất lợi nhất, chỉ cần duy trì 3 - 3,3 triệu ha lúa, năm 2030, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, Việt Nam vẫn còn dư nhiều triệu tấn gạo dành xuất khẩu (XK).
Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ) chỉ rõ, bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41 - 43 triệu tấn năm 2020 và 44 triệu tấn năm 2030, bảo đảm an ninh lương thực và XK. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng chỉ rõ, nhanh chóng giảm diện tích trồng lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác. Điều này cho thấy, việc rút ngắn diện tích lúa đã là giải pháp không thể trì hoãn.
Tuy nhiên, giảm diện tích cũng phải đi kèm với những chính sách làm sao để xây dựng mô hình sản xuất tập trung, bởi lẽ, nếu vẫn tồn tại hình thức sản xuất manh mún thì không thể xây dựng nên khu vực sản xuất lớn để thực hiện cơ giới hóa, đưa kỹ thuật đồng bộ, sản xuất theo chuỗi để có những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, phục vụ tốt cho XK.
“Yếu” từ giống đến chế biến
Song song với diện tích, vấn đề lựa chọn và sử dụng giống lúa ra sao cũng là vấn đề gây “đau đầu”. Đơn cử, theo số liệu điều tra của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực này có khoảng 50 giống lúa được trồng phổ biến. Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ có 34% người dân sử dụng giống lúa đã được xác nhận, trong đó có 12% giống được cơ quan chức năng cấp chứng nhận, còn lại là mua giống ở những cơ sở nhân giống “tự phong” có chất lượng.
Xuất khẩu chạy theo số lượng thay vì chất lượng đã ăn sâu vào tư duy làm nông nghiệp Việt Nam. Trong khi những quốc gia XK gạo hàng đầu là Thái Lan có chủ trương sản xuất những giống lúa thơm cao cấp như Hom Mali hay Ấn Độ với giống Basmati có giá bán lên đến trên 1.000 USD/tấn, giống dài ngày, mỗi năm trồng 1 vụ thì Việt Nam vẫn tràn lan những giống lúa ngắn ngày, 3 vụ/năm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Không những yếu về giống, ở khâu sản xuất cũng còn nhiều bất cập và tự phát khi người nông dân tự lựa chọn cho mình các giống lúa khác nhau, chăm bón, thu hoạch rồi bán. Việc giống lúa có nhiều bất cập, tình trạng thương lái thu mua các loại lúa về trộn lẫn với nhau rồi đem về nhà máy xay xát ra gạo, bán cho doanh nghiệp cũng là vấn đề gây bức xúc.
Trong khi nhu cầu thế giới tăng cao ở những phân khúc gạo chất lượng, phân khúc gạo cấp thấp của Việt Nam lại phải cạnh tranh gay gắt khi những “đại gia” gạo cấp cao như Thái Lan cũng quay ra XK loại gạo này thì việc đầu tư nghiên cứu nghiêm túc ngay từ khâu giống là biện pháp duy nhất khiến gạo Việt Nam không bị “lép vế”. |
Ngoài những lý do kể trên, công nghệ chế biến và bảo quản gạo cũng là vấn đề đáng bàn. Trong cuộc họp bàn về giải pháp tiêu thụ nông sản mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bức xúc: “Cả tỉnh Cần Thơ là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng chất lượng các nhà máy chế biến gạo rất khác nhau và khác xa so với yêu cầu. Bên cạnh đó, hạ tầng chợ, kho bãi tại khu vực nông thôn để bảo quản gạo cũng không có, bà con vẫn chủ yếu sản xuất rồi bán gạo thẳng cho thương lái, không có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng gạo Việt Nam ở mức thấp, thiếu sức cạnh tranh”.
Dù nỗ lực rất lớn để nâng cao chất lượng gạo XK nhưng tỷ lệ gạo phẩm cấp thấp của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo Bộ Công Thương, năm 2014, gạo cấp thấp đã giảm trên 28% về lượng, gạo thơm tăng trưởng mạnh, đạt trên 1,52 triệu tấn, tăng gần 35% về lượng so với cùng kỳ năm 2013. Nhưng trên thực tế, con số tăng trưởng này chưa thấm vào đâu bởi nếu so sánh với tổng lượng gạo XK của cả năm 2014 (6,5 triệu tấn), gạo phẩm cấp thấp vẫn chiếm trên 70% tổng lượng gạo XK của Việt Nam.
Được biết, cuối năm 2014, Bộ NN&PTNT đã đặt hàng các viện, trường, trung tâm, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất 5 - 7 giống lúa thơm ngắn ngày, giá 600 - 800 USD/tấn. Lý do là hầu hết lượng gạo XK của Việt Nam mới chỉ đạt mức giá trên dưới 400 USD/tấn và ngay cả gạo phẩm cấp thấp, chúng ta cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với gạo Pakistan, Ấn Độ, Myanmar...
theo baocongthuong