Tạo sức hút cho vốn khuyến công

Lựa chọn đề án hỗ trợ trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm…khuyến công Hải Dương đã phát huy được vai trò “vốn mồi”, tạo sức hút với các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Vốn khuyến công đã khuyến khích cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất tạo việc làm cho nông dân địa phương

Theo ông Hoàng Đức Dũng - Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương, năm 2015, khuyến công Hải Dương được giao kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, trung tâm đang nỗ lực kiểm tra tình hình sản xuất thực tế và nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng để triển khai hỗ trợ.

Những năm qua, khuyến công Hải Dương thực hiện định hướng hỗ trợ, xây dựng các đề án, có sức lan tỏa và phát huy rất tốt vai trò vốn mồi, giúp cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Là một trong những đối tượng thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công, ông Vũ Quang Khánh- Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Trường Thọ (Gia Lộc) cho biết- sản phẩm khung xe đạp inox của doanh nghiệp đã tham gia và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014. Theo đó, nhiều khách hàng tìm đến, quan hệ đối tác đã được mở rộng. Trước đó, doanh nghiệp Trường Thọ được khuyến công Hải Dương hỗ trợ đầu tư 1 máy hàn, nâng tổng số máy hàn của doanh nghiệp lên 8 máy. 

Với sự hỗ trợ, sản xuất của Trường Thọ hiện khá ổn định, với sản lượng trên 100.000 sản phẩm/năm, sản phẩm ở đây chiếm giữ thị phần chắc chắn tại khu vực miền Bắc và miền Trung. Một số đơn vị lắp ráp xe đạp lớn trong nước như: Việt Hà (Bắc Giang), AVIBUS (Hà Nội)… đang là khách hàng thường xuyên nhập các chi tiết của Trường Thọ.

Ông Khánh cũng cho biết- so với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn hỗ trợ chưa lớn. Tuy nhiên, sự quan tâm từ các cấp chính quyền đến tận các doanh nghiệp nhỏ là rất đáng quý. Sự quan tâm này khuyến khích cơ sở cố gắng đầu tư, mở rộng hơn nữa sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Là một trong những cơ sở nhận được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, ông Nguyễn Thượng Sách - chủ cơ sở đúc đồng tại huyện Tứ Kỳ - cho hay, năm 2014, cơ sở đầu tư hệ thống lò nấu đồng mới và được khuyến công quốc gia hỗ trợ 195 triệu đồng. Hiện, cơ sở có 30 lò với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng. Sự hỗ trợ với cơ sở là tốt bởi đúc đồng được xếp vào ngành công nghiệp nặng, vốn đầu tư cho đổi mới thiết bị là rất lớn. Hiện, bình quân mỗi năm cơ sở phải đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho máy móc thiết bị. Sự hỗ trợ này đã giúp cơ sở giảm đi một phần gánh nặng.

Cũng trong năm vừa qua khuyến công Hải Dương dành nguồn lực đáng kể hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ, như: Hỗ trợ 100 triệu đồng cho Công ty CP Quốc tế Vinako (Ninh Giang) ứng dụng máy móc sản xuất gia công giấy ăn, khăn ăn; hỗ trợ ứng dụng cụm máy sản xuất đồ mộc cho hộ kinh doanh Đỗ Thanh Thủy (Gia Lộc), kinh phí 100 triệu đồng…

Có thể nói, định hướng hỗ trợ phù hợp, sự nỗ lực trong việc khảo sát, tìm kiếm đối tượng thụ hưởng và sát sao trong quá trình triển khai đã giúp khuyến công Hải Dương thực hiện khá hiệu quả các đề án, phát huy được nguồn vốn hỗ trợ và tạo sức hút mạnh mẽ hơn cho nguồn vốn khuyến công.

Ông Hoàng Đức Dũng - Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương:

Khuyến công tỉnh đang khảo sát thiết bị máy ép phun tự động tại Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Trường Thọ, nhằm đưa vào kế hoạch hỗ trợ năm 2015. Thiết bị này có vốn đầu tư khoảng 500 triệu, khi đưa vào sản xuất sẽ tự động hóa khâu phun sơn, giảm sức lao động.