Tạo sức hút vào nông nghiệp, nông thôn

Việt Nam được thế giới thừa nhận là quốc gia nông nghiệp, ngành xuất siêu duy nhất của Việt Nam cũng là nông nghiệp, nông nghiệp luôn được coi là “bệ đỡ” cho kinh tế. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này thì thời gian tới, Chính phủ cần xác định lấy doanh nghiệp làm chủ thể.
Ảnh minh họa.

Trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân ở chuyên đề nông nghiệp vừa diễn ra tuần trước, phần lớn các ý kiến cho rằng: Cách làm thị trường của Việt Nam hiện nay không hiệu quả và mang tính hình thức.

Không xác định được thị trường trọng tâm, trọng điểm; xúc tiến thị trường hình thức, phân vai chồng chéo nhau, thiếu quảng bá, không có cây trồng chủ lực…

Nhiều đại diện DN cho hay, để nâng cao năng lực chinh phục thị trường cho nông sản, các đề xuất nên thực hiện ngay trong năm 2017 chứ không để lâu hơn nữa. 

Lâu nay, nông nghiệp luôn được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2017, nông nghiệp đã xuất siêu 4 tỷ USD, đóng góp thành tích cao trong việc đưa về cho nền kinh tế hơn 20,45 tỷ USD.

Cũng trong thời gian gần đây, hệ thống chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp chất lượng cao với cơ chế khuyến khích đầu tư cụ thể nhưng mới có 1% DN tư nhân và khoảng 3% tổng vốn đầu tư của DN tư nhân đổ vào lĩnh vực này.

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, dù thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực tái cơ cấu ngành, khơi thông thị trường, cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong đó vấn đề hướng nông dân làm ăn chuyên nghiệp, bài bản hơn, lôi kéo DN tham gia chuỗi giá trị trong nước… luôn được quan tâm. Tuy nhiên, việc thu hút DN chưa được như mong muốn.

Đánh giá về tình trạng này, theo phân tích của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, có 4 rào cản khiến cho DN không mặn mà đầu tư nông nghiệp.

Trước tiên là sự lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất. Thêm vào đó là chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai.

Vì vậy, nhiều DN không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất. Thứ hai, chính quyền địa phương dễ thay đổi quy hoạch sử dụng đất, gây rủi ro lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài của DN.

Thứ ba, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả, khiến ngân hàng không thể cho DN vay vốn.

Thứ tư, chính sách, giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp phát triển thị trường buôn bán, sàn giao dịch nông sản chưa rõ ràng.

Tại dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Kế hoạch Đầu tư đang đưa ra lấy ý kiến, để phá rào hút DN, cơ quan này đã đưa ra nhiều kiến nghị mới.

Theo đề xuất của Bộ này, DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định này.

Về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, dự thảo đề xuất, DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

DN có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo…

Theo TS Nguyễn Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ DN - nông dân, cần tư duy lại cách phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam, không chỉ với lúa gạo mà với tất cả các sản phẩm khác.

Kiên quyết không chạy theo sản lượng và chỉ dựa vào “cặp” Nhà nước - Nông dân nữa. Phải nhìn nhận vấn đề thu hút DN vào nông nghiệp như thế nào, giải quyết vấn đề sở hữu đất đai, tích tụ, tập trung ruộng đất ra sao...  

 T.Hằng
http://daidoanket.vn