Tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long
Chiến lược xây dựng nông thôn mới là cơ hội tốt để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, chính vì vậy, các địa phương ở khu vực này đã tập trung đầu tư vào chương trình và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.
 

 Bê tông hóa đường giao thông nông thôn 
ở Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: K.V)


Vĩnh Long đầu tư hơn 1.787 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

 

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư 1.787 tỉ đồng, trong đó tỉnh quản lý 1.413 tỉ đồng, huyện quản lý 374 tỉ đồng, để xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Từ nguồn đầu tư này đã tăng thêm 7.000 ha đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi, nâng tổng số toàn tỉnh có trên 100 nghìn ha được khép kín thủy lợi, đạt 89%.

5 năm qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đã đầu tư tăng thêm 28 trạm cấp nước nông thôn, nâng tổng số trạm cấp nước toàn tỉnh 106 trạm, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 77%, trong đó gần 40% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

 

Long An: Cần khoảng 4.121 tỉ đồng cho xây dựng nông thôn mới

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới tỉnh Long An, tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, năm 2014, dự kiến, tổng nhu cầu vốn của Long An ước khoảng 4.121 tỉ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 181 tỉ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khoảng 2.467 tỉ đồng; vốn tín dụng 550 tỉ đồng; huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp 108 tỉ đồng; đóng góp của cộng đồng dân cư trên 813 tỉ đồng; còn lại là từ các nguồn khác.

Các địa phương ở Long An đề ra biện pháp để khắc phục khó khăn, thu hút nguồn đóng góp tài trợ của toàn xã hội, đặc biệt là từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn hưởng lợi trực tiếp từ các dự án, công trình được đầu tư.

Để phong trào phát triển mạnh mẽ, tỉnh Long An ngay từ những năm đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định vận động, tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, người dân về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Long An đã dành gần 6,5 tỉ đồng phục vụ cho công tác này với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đó là tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng tập trung; phổ biến trên các phương tiện thông tin truyền thông; cấp 3.000 sổ tay hướng dẫn và 27.420 cuốn tài liệu tuyên truyền về nông thôn mới cho thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp..v.v…

 

Cần Thơ: Hơn 424 tỉ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, từ năm 2010 đến nay, thành phố đã huy động trên 424 tỉ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 36 xã. Trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương trên 2,87 tỉ đồng, ngân sách địa phương 279,42 tỉ đồng, vốn huy động doanh nghiệp 34,78 tỉ đồng, vốn tín dụng hơn 51,61 tỉ đồng và vốn nhân dân đóng góp gần 55,64 tỉ đồng.

Thành phố Cần Thơ cũng chỉ đạo các xã tập trung phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cải thiện đời sống nhân dân làm nền tảng đóng góp xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hình thành vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các công nghệ tiên tiến tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các xã ở thành phố Cần Thơ đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án thuộc chương trình phi chính phủ; xây dựng và thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn”, “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… giúp các hộ nông dân, đặc biệt là những hộ nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

 

Hậu Giang: Hơn 12.200 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2010 - 2012, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đối với 54 xã trên toàn tỉnh gần 12.230 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách, tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn dân và vốn khác, trong đó 11 xã điểm được đầu tư là hơn 1.368 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế xã, nhà ở dân cư, nước sạch nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuyên truyền vận động... Qua đó đã góp phần thay đổi được bộ mặt nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trong giai đoạn 2009 - 2013, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng mới được 1.853 km/4.977 km đường giao thông nông thôn bằng nhựa và bê tông, duy tu, sửa chữa 1.628.322 m2, xây dựng được 1.530 cây cầu với tổng chiều dài 30.812 m, tổng kinh phí thực hiện hơn 1.219 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 56,6%, vốn dân góp chiếm 43,4%. Hiện nay, toàn tỉnh có 71/74 xã, phường, thị trấn có đường ô tô về đến trung tâm, đạt 96%.

Ngoài ra Hậu Giang hiện có 70 chợ, trong đó, có 6 chợ loại I; 7 chợ loại II; 57 chợ loại III và chợ tạm. Ðến nay, số xã có chợ theo quy hoạch đạt chuẩn là 20/54 xã. Nhìn chung, việc phát triển, nâng cấp, sửa chữa chợ thời gian qua thực hiện khá tốt, góp phần rất lớn trong việc phân phối và tiêu thụ hàng hóa cho người dân./.

K.V
Nguồn dangcongsan.vn