Tập trung đưa nông thôn mới về đích

Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội vừa tổ chức giao ban đánh giá kết quả công tác 9 tháng qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong 3 tháng cuối năm. Theo đó, ngoài 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), năm 2014 Hà Nội sẽ có thêm 62 xã đạt chuẩn NTM và Hà Nội hoàn toàn có thể hoàn thành kế hoạch.
Kết quả khả quan…

Tại hội nghị, ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, huyện Phúc Thọ đã có 4 xã đạt chuẩn NTM năm 2013, năm 2014, huyện phấn đấu có thêm 6 xã. Là một huyện thuần nông, công nghiệp gần như không phát triển, đạt được kết quả này là một sự nỗ lực rất lớn của cán bộ và nhân dân trong huyện. "Chúng tôi đã rà soát từng tiêu chí trong xây dựng NTM tại các xã, phân công từng phòng, ban, cán bộ nhận trách nhiệm thực hiện. Cụ thể, đối với tiêu chí môi trường, huyện phối hợp với các công ty môi trường thu gom, xử lý rác thải, chất thải. Với tiêu chí nước sạch, trong khi các nhà máy nước sạch chưa vươn tới vùng nông thôn, để bảo đảm chỉ tiêu 30% dân số được sử dụng nước sạch, các xã đã vận động các hộ gia đình mua máy lọc nước mini về sử dụng…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Trên cơ sở các huyện, thị xã đăng ký phấn đấu hoàn thành NTM năm 2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 7499 ngày 19-12-2013 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2014 của TP Hà Nội, theo đó, năm 2014 Hà Nội có thêm 62 xã đạt chuẩn NTM, đồng thời hỗ trợ trước mắt mỗi xã bình quân 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đăng ký của các huyện, thị xã, 84 xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2014, các huyện đăng ký thêm gồm: Đan Phượng 3 xã, Hoài Đức 3 xã, Mê Linh 3 xã, Phú Xuyên 2 xã, Đông Anh 2 xã, Thanh Oai 2 xã, Thường Tín 2 xã, Ứng Hòa 1 xã… Kết quả đến nay, theo báo cáo, trong số 84 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2014 có 18 xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 20 xã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí; 18 xã đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí; 20 xã đạt và cơ bản đạt 16/19 tiêu chí; 3 xã đạt và cơ bản đạt 15 tiêu chí và 5 xã đạt và cơ bản đạt dưới 15 tiêu chí.

Như vậy, kết quả xây dựng NTM hiện nay cho thấy 74 xã đã ở mốc đạt từ 16 đến 19 tiêu chí là khá khả quan. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, nhiều huyện, thị xã đã chủ động bố trí và huy động vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, hộ gia đình... Một số huyện làm rất tốt như Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ…

… nhưng vẫn còn "nút thắt"

Tuy lạc quan với những kết quả đã đạt được nhưng để Chương trình đạt tiến độ như mong muốn vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Tại hội nghị, nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị thành phố tháo gỡ khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, trong khi nhu cầu vốn để phục vụ chương trình xây dựng NTM của huyện lớn thì thu ngân sách của huyện lại ít ỏi nên sự hỗ trợ của thành phố là rất cần thiết. Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho rằng, thị xã chỉ có 6 xã xây dựng NTM nhưng theo đề án cũng cần tới khoảng 2.000 tỷ đồng (xã xây dựng đề án thấp, kinh phí cũng hết khoảng 180 tỷ đồng, xã nhiều hết 300 tỷ đồng). Trong cơ cấu vốn, chiếm một phần không nhỏ là vốn lồng ghép. Cụ thể như xã Sơn Đông là 81/245 tỷ đồng (chiếm khoảng 30%), hiện nguồn vốn này được bố trí rất chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ chương trình. Khó khăn lớn nhất đối với thị xã hiện nay vẫn là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi sau dồn điền đổi thửa. "Việc này là tất yếu, ai cũng biết, tuy nhiên làm được rất khó. Chúng tôi đang đưa vào thử nghiệm 5 mô hình như trồng gấc, nuôi bò, gà…, song vẫn đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm trước khi cho nhân rộng" - ông Đặng Vũ Nhật Thăng nhấn mạnh.

Mặc dù Hà Nội đã xây dựng được một hệ thống cơ chế, chính sách khá đồng bộ phục vụ Chương trình 02 như Quyết định 16 về hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, quyết định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần có sự điều chỉnh. Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu cho rằng: "Quyết định 16 với nhiều điểm không đi vào thực tế chẳng khác nào mình tự trói mình. Thành phố nên thay hình thức hỗ trợ vốn gián tiếp thông qua việc đầu tư mua sắm cơ giới hóa bằng đầu tư trực tiếp"... Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn về vốn, nhiều ý kiến cũng đề xuất thành phố tạo điều kiện để các quận kết nghĩa với các huyện, hoặc giao nhiệm vụ cho mỗi quận giúp đỡ 1-2 huyện thông qua việc hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng… Điều đó không những tạo nên sự gắn kết giữa các quận, huyện thêm khăng khít mà còn giúp cho các huyện có thêm nguồn lực xây dựng NTM.
 
Theo hanoimoi.com.vn