Tập trung gỡ khó về nguồn lực

Tập trung gỡ khó về nguồn lực
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2014 có thêm 62 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, những thách thức nảy sinh trong quá trình thực hiện như thiếu vốn, việc dồn điền đổi thửa xuất hiện những điểm nóng, tổ chức chuyển dịch cơ cấu cây trồng gặp nhiều khó khăn… đang là những rào cản ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM của các địa phương.


Nhiều vấn đề bức xúc

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, triển khai xây dựng NTM, nhận thức của chính người dân và cán bộ đã được nâng lên, tâm lý ngại khó đã dần thay đổi. Người dân thấy được trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình. Sau dồn điền đổi thửa, huyện đã tiến hành đưa cơ giới hóa vào và thực hiện cánh đồng mẫu lớn, đưa giống lúa mới vào sản xuất nâng năng suất lên 64 tạ/ha, trong đó mô hình trồng hoa Ly ở xã Tam Thuấn cho giá trị đạt 5,4 tỷ đồng/ha, gấp 60 lần trồng lúa. Tuy nhiên, dù cho kết quả "siêu lợi nhuận" nhưng mô hình này khó nhân rộng bởi tâm lý người dân vẫn quen với cách làm truyền thống, ngại đầu tư và sợ rủi ro… 
 
Một mô hình dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Thái Hiền
Một mô hình dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Thái Hiền

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên lại chỉ ra những bất cập trong thực hiện tiêu chí trường học khi cho rằng, yêu cầu trường mầm non đạt chuẩn, mỗi xã phải có một trường trung tâm là không phù hợp. Đơn cử như xã Văn Hoàng, mỗi thôn đều đã có một điểm trường mầm non rồi, nếu xây trường trung tâm sẽ cần khoảng 20 tỷ đồng, trong khi các cháu tuổi mầm non phải vượt quãng đường xa 2-3km đến trung tâm học là không hợp lý và lãng phí… 

Tại huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch UBND Chu Nguyên Thành lại băn khoăn về công tác đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau dồn điền đổi thửa. Mặc dù người dân rất mong đợi nhưng vẫn phải chờ rất lâu do thành phố đã phân cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, trong khi đến nay sở này vẫn chưa triển khai. Bà Thành kiến nghị, thành phố có thể giao cho huyện được thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. Đây cũng là bức xúc chung của nhiều địa phương trên địa bàn khi Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Hoàng Văn Sơn cho biết, huyện cần khoảng 30 tỷ đồng để đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau dồn điền đổi thửa nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vốn nên hồ sơ đo xong lại cất vào trong tủ. Trong khi đó, tiền thuê đơn vị tư vấn thiết kế đo đạc, huyện vẫn đang nợ doanh nghiệp.

Báo cáo của BCĐ Chương trình 02 cũng cho thấy, sản xuất nông nghiệp tại một số nơi, nhất là vùng xa trung tâm vẫn chủ yếu mang tính truyền thống. Do đó, giá trị thu nhập còn thấp, không ổn định, đời sống người dân còn khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Một số huyện có diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phân khu của thành phố nên không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thậm chí có địa phương còn bỏ hoang phần diện tích đất này. Số lượng mô hình và những điển hình tiên tiến, nhất là số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, việc tổ chức nhân ra diện rộng còn hạn chế. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao… 

Tháo gỡ khó khăn về nguồn lực

Mục tiêu đến hết năm 2014 Hà Nội phấn đấu thêm 62 xã đạt chuẩn NTM là khá nặng nề bởi thời gian không còn nhiều. Trong khi đó đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm còn gặp khó khăn, như Ứng Hòa có thu nhập bình quân 16,46 triệu đồng/người/năm; Mỹ Đức: 17,5 triệu đồng/người/năm; Ba Vì: 18,5 triệu đồng/người/năm... Do đó, nguồn lực cho xây dựng NTM vẫn chủ yếu là trông vào Nhà nước; doanh nghiệp và người dân tham gia gây vốn vào xây dựng NTM chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Thống kê cho thấy trong số hơn 17 nghìn tỷ đồng lũy kế đầu tư vào NTM, vốn ngoài ngân sách chỉ chiếm hơn 3.600 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu trên, trước mắt thành phố sẽ hỗ trợ cho mỗi xã 2,5 tỷ đồng, đồng thời cố gắng đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành DĐĐT, khuyến khích các địa phương làm trước các tiêu chí dễ, tốn ít kinh phí... Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu các huyện tập trung hỗ trợ số xã chưa hoàn thành dồn điền đổi thửa. Xây dựng hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ cơ sở hình thành các vùng sản xuất tập trung. Về kinh phí, tập trung thanh toán nợ đọng về xây dựng cơ bản, đào đắp kênh mương để hỗ trợ sản xuất.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02 Nguyễn Công Soái lưu ý các địa phương quan tâm công tác phòng chống bão lụt, kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi. Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chú trọng học tập các mô hình cho hiệu quả cao; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trước khó khăn về vốn, tháo gỡ bằng cách huy động nguồn vốn từ trong nhân dân, doanh nghiệp…; lựa chọn công trình, dự án ưu tiên đầu tư, tránh việc sử dụng kinh phí vào công trình chưa thiết yếu; tập trung nguồn lực để nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất cho người dân.
Nguyễn Mai
Nguồn hanoimoi.com.vn